Đồng thuận xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện Chương trình xây mục tiêu Quốc gia nông thôn mới (2010 - 2015), diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ rệt. Hơn 100.000 km đường giao thông nông thôn, nhiều nhà văn hóa, nhà trẻ... được xây dựng. Đặc biệt, đời sống của nông dân được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhiều.

Đó là chia sẻ của ông Hồ Xuân Hùng (ảnh), nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cố vấn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương.

Qua 5 năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đem lại những gì cho người dân ở nông thôn, thưa ông?

Trước đây, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách cho nông nghiệp, nông dân nhưng nông thôn chưa được đầu tư nhiều. Chương trình xây dựng nông thôn mới là chương trình đầu tiên mang tính toàn diện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có bộ tiêu chí đánh giá chung. Sau 5 năm, cái được lớn nhất của chương trình là đã nhận được sự đồng thuận của người nông dân. Người dân hiểu là chương trình phục vụ cho họ, nên giảm hẳn tư duy ỷ lại vào Nhà nước mà đã có sự chung sức đồng lòng. Trước đó, ít có chương trình về nông thôn làm được như vậy.

Thứ hai là chương trình đã có sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Trong đó, đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên rất rõ cả về trình độ, ý thức về việc gần với dân hơn. Vì xây dựng nông thôn mới có rất nhiều việc cụ thể gắn với trách nhiệm của họ với dân.

Thứ ba là diện mạo nông thôn thay đổi rõ, nhiều công trình được xây dựng đồng bộ, khắc phục tình trạng xây dựng chắp vá lâu nay. Đặc biệt, nhờ vào chương trình, hơn 100.000 km đường giao thông nông thôn được xây dựng, nhiều gấp 2 lần so với 10 năm trước đó. Trong đó, nguồn vốn từ Nhà nước không nhiều, chủ yếu từ nguồn lực xã hội, người dân hiến đất, đóng góp ngày công, con em khắp mọi miền tổ quốc đóng góp.

Đời sống của nông dân được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhiều. Khi xây dựng chương trình, chúng tôi chỉ đặt ra mục tiêu tăng thu nhập của người dân nông thôn 1,5 lần, nhưng nay thu nhập người dân đã tăng 1,8 - 1,9 lần. Tỉ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 2%, đặc biệt ở các vùng khó khăn là 5%. Hiện mức nghèo ở nông thôn chỉ là 9% theo chuẩn mới.

Bên cạnh đó, đời sống văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên, tạo ra môi trường cho người dân tham gia văn hóa cộng đồng. Trước đây, chúng ta tập trung nhiều kinh phí cho lễ hội, tốn kém nhưng văn hóa trong nông thôn, hương ước làng xã bị lãng quên. 5 năm trở lại đây, môi trường văn hóa địa phương đã được chú ý hơn trước.

Bên cạnh những mặt đã làm được, chương trình còn những tồn tại gì, thưa ông?

Vẫn còn một số tồn tại mà chúng ta phải nhìn thẳng vào một số tồn tại. Tồn tại lớn nhất hiện nay là công nợ khá phổ biến, như ở Phước Long (Bình Phước), Bạc Liêu. Thông qua kiểm toán, giám sát của các đoàn Quốc hội, báo cáo của các địa phương cho thấy, nhiều xã đang nợ 3 - 5 tỷ đồng, có xã nợ tới hàng chục tỷ đồng, vượt quá khả năng thanh toán do đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Nếu không định hướng lại, làm theo khả năng của từng xã, xác định nguồn lực mới được xây dựng công trình thì việc đầu tư của nông thôn mới sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào chương trình. Về mặt xã hội, nếu chúng ta đẩy nợ cho doanh nghiệp sẽ khiến họ phá sản. Thậm chí có nơi còn vay của dân, ngân sách để xây dựng công trình.

Tồn tại thứ hai là tình trạng huy động sức dân quá mức, từ năm 2011 tới nay, Chính phủ liên tục có văn bản chấn chỉnh tình trạng này, thậm chí quy định hộ nghèo, khó khăn được trả công, tiền ăn. Nhưng một số địa phương huy động nguồn lực cả của những người bị bệnh, già yếu. Vừa qua, một số xã ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), huy động cả nguồn lực từ người ốm đang nằm viện, những gia đình nghèo. Do vậy, chúng ta phải chấn chỉnh kịp thời, không huy động cạn kiệt sức dân.

Nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn bấp bênh, kém hiệu quả, thu nhập nông dân thấp. Nông nghiệp làm ra 18 - 20% GDP của cả nước, nhưng nguồn lực xã hội đầu tư cho nông nghiệp chỉ là 6%. Chỉ có 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Đáng lẽ, chúng ta phải hỗ trợ nông nghiệp nhưng hình như nông nghiệp vẫn đang bị bỏ rơi, thiếu sản phẩm có thương hiệu. Nếu thiếu đầu tư đủ mạnh thì việc xây dựng nông thôn mới sẽ còn gặp khó khăn.

Là một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là với chương trình xây dựng nông thôn mới, ông có những đề xuất gì để giải quyết các tồn tại trên?

Theo tôi, trước hết, phải khích lệ đội ngũ cán bộ, công chức thực sự tâm huyết với công việc, “lãnh đạo thế nào, phong trào thế đó”. Vừa qua, một số tỉnh thuộc diện khó khăn như: Tuyên Quang, Lào Cai… xây dựng được hệ thống giao thông rất tốt, đây là những tỉnh miền núi còn được như vậy. Trong một tỉnh cũng có huyện làm tốt, huyện chưa tốt. Do vậy, đội ngũ cán bộ là quan trọng.

Thứ hai, chuyển hướng tuyên truyền, bên cạnh những gương tốt thì phải dám nhìn thẳng vào những khuyết điểm, những vấn đề tồn tại để điều chỉnh. Ví dụ, về vấn đề vệ sinh môi trường, cần tuyên truyền để người dân biết, không vì lợi ích trước mắt mà làm hại tới dân tộc mình, tới nền sản xuất nông nghiệp.

Thứ ba, rà soát lại các chính sách để lôi kéo doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn. Sự thành bại của giai đoạn 2015 -2020 là chính sách thu hút doanh nghiệp. Vì nhiều nơi đã làm hết khả năng, cần sự giúp đỡ của Nhà nước, các doanh nghiệp.

Thứ tư, làm rõ trách nhiệm tới cùng của từng cán bộ cơ sở trước công việc ở địa phương. Quy trách nhiệm tới cùng, gắn với trách nhiệm của từng cán bộ. Có thành tích được tuyên dương, nhưng có khuyết điểm phải chịu trách nhiệm. Nếu làm được những việc trên thì nhất định chúng ta sẽ thành công.
H.V
Agribank chung tay xây dựng nông thôn mới
Agribank chung tay xây dựng nông thôn mới

Sau gần 5 năm thực hiện cho vay thí điểm Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011, toàn bộ các chi nhánh trong hệ thống Agribank đã thực hiện cho vay xây dựng nông thôn mới, đến 30/9/2015, 8.985 xã/9.001 xã của cả nước có khách hàng vay vốn theo chương trình này tại Agribank.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN