Huyện Đông Anh (Hà Nội) đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh, được ví như “cơn lốc” về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng so với các huyện ngoại thành của Thủ đô. Nhu cầu của người dân về hạ tầng đất đai phục vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư xây dựng các công trình nhà ở là rất lớn. Kéo theo đó, xuất hiện tình trạng một số hộ dân lấn chiếm đất công để sử dụng mục đích riêng, gây phức tạp xã hội, bất bình trong nhân dân. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở của Thủ đô đã triển khai giải pháp mạnh với phương châm quản lý đất đai, đặc biệt đối với quản lý quỹ đất công, là nhiệm vụ thường xuyên đặc biệt quan trọng.
Huyện Đông Anh xác định, làm tốt công tác quản lý đất công sẽ quản lý tốt trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng… nên đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, căn cơ về vấn đề này. Cụ thể, huyện Đông Anh đã ban hành Nghị quyết về thực hiện Đề án Quản lý đất nông nghiệp công; Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý đất đai, quản lý và khai thác khoáng sản…; đồng thời lấy kết quả công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu cấp ủy, đơn vị theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội.
Từ khi huyện Đông Anh triển khai Đề án Quản lý đất công và siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy Hà Nội, đến nay công tác xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng đã có hiệu quả rõ rệt hơn.
Xã Tiên Dương là địa bàn có tuyến Quốc lộ 3 và tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Quốc lộ 23B đi qua nên rất thuận lợi cho các hoạt động giao thương buôn bán, dẫn đến một số hộ dân được thuê thầu đất nông nghiệp công để sản xuất mô hình trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, các hộ thuê đã tự ý chuyển đổi thành bãi trông giữ xe, rửa xe, làm lều, lán bán hàng. Qua số liệu thống kê của xã, có 22 trường hợp vi phạm sử dụng đất sai mục đích.
Thực hiện chỉ đạo của huyện về xử lý đất công, xã Tiên Dương đã vận động người dân hoàn thành tự tháo dỡ vi phạm đối với 17 trường hợp. Ông Hoàng Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết, với 5 trường hợp vi phạm còn lại, xã tiếp tục vận động, nếu các hộ cố tình không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế trong tháng 1/2024, xã kiên quyết không để tồn tại vi phạm, ông Hùng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Nam, người dân xã Tiên Dương cho biết: "Chúng tôi thấy việc xã xử lý các vi phạm và thu hồi đất công để quản lý, sử dụng theo quy định, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi, làm đẹp bộ mặt các tuyến đường được nhân dân rất đồng tình. Tôi mong muốn huyện, xã duy trì kỷ cương thật nghiêm minh, không để các hộ tái vi phạm".
Không chỉ có xã Tiên Dương mà tất cả xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đông Anh đều vào cuộc thực hiện đề án về quản lý đất công. Theo đó, từ đầu năm đến nay, huyện Đông Anh đã xử lý dứt điểm 342 trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công. Dự kiến trong tháng 12/2023, huyện tiếp tục xử lý 244 trường hợp vi phạm khác, thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn. Sau khi cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi đất, Đông Anh xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho các dự án hạ tầng xã hội công cộng như: Vườn hoa, hồ nước, khu vực trồng cây xanh, bãi đỗ xe hoặc làm nơi ươm trồng cây xanh làm đẹp cho đô thị.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý đất công trên địa bàn huyện Đông Anh còn nhiều tồn tại như: Do địa bàn rộng, nhiều diện tích đất công thuộc khu vực bờ bãi ven sông, đan xen với các khu dân cư nên công tác quản lý có khó khăn; một bộ phận người dân vẫn có tâm lý tranh thủ sử dụng đất trái mục đích để kiếm lợi….
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, huyện đã triển khai sâu rộng Chỉ thị 24-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố. Theo tinh thần này, Đông Anh đang thực hiện việc đánh giá, chấm điểm lãnh đạo các xã, thị trấn và các phòng, ban, đơn vị chức năng trong việc quản lý đất công theo thẩm quyền. Huyện sẽ điều chuyển, thay thế cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công việc nói chung và quản lý đất công nói riêng.
Thông tin thêm về giải pháp để quản lý đất công hiệu quả, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, huyện đang tiến hành số hóa toàn bộ diện tích đất công; đồng thời thường xuyên giao ban với các xã, thị trấn và ngành liên quan để kiểm điểm tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình quản lý, khai thác và sử dụng quỹ đất công trên địa bàn.