Chiều 13/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tại buổi họp báo, phóng viên Báo Tin tức đã đặt câu hỏi liên quan đến việc hiện nay, các trụ sở làm việc công tại thành phố Thủ Đức như trụ sở UBND Quận 9 (cũ), trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thủ Đức (cũ)... đang bị bỏ hoang sau hơn 2 năm sát nhập 3 quận (Quận 9, Quận 2 và Thủ Đức) thành TP Thủ Đức. Điều này đang gây lãng phí tài sản công và hướng giải quyết của thành phố Thủ Đức ra sao đối với tình trạng này.
Trả lời câu hỏi, đại diện UBND thành phố Thủ Đức cho biết, sau khi sát nhập thành thành phố Thủ Đức, UBND thành phố Thủ Đức cũng đã thực hiện quản lý, sử dụng đối với các địa chỉ nhà, đất và đã có văn bản trình Ban chỉ đạo 167 Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý theo quy định.
Cụ thể: Trụ sở UBND Quận 9 cũ (số 2/304 Xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú) có phương án đề xuất bố trí làm trụ sở Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Thủ Đức; trụ sở Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Thủ Đức (cũ) có phương án đề xuất bố trí làm trụ sở Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Thủ Đức. Đối với trụ sở Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quận Thủ Đức (cũ) có phương án đề xuất bố trí làm trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức.
"Sở dĩ các nhà, đất trên hiện nay đang để trống là đang chờ UBND Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý. Trước mắt, một số trụ sở vẫn đang được tận dụng cho các cơ quan, đoàn thể hoạt động. Sắp tới, thành phố Thủ Đức sẽ tiếp tục kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại các trụ sở hành chính trên", vị đại diện này cho biết.
Tương tự, trả lời câu hỏi liên quan đến tình trạng tại thành phố Thủ Đức đang xuất hiện 4 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng hơn 10 năm không bị xử lý, gây bức xúc rất lớn cho người dân, đại diện UBND thành phố Thủ Đức cũng đã cho biết, qua rà soát hồ sơ do UBND phường Tam Bình thu thập, tại hẻm 45 Đường 11, khu phố 4, phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức có 4 căn nhà kết cấu vách tôn, mái tôn do ông Nguyễn Văn Bé và vợ là bà Trà Thị Tho tự xây dựng khoảng thời gian năm 2009 - 2010 (sau thời gian chuyển nhượng một phần đất cho Công ty Sông Đà Phương Nam) thuộc phần 444 m2 bên ngoài ranh chuyển nhượng cho Công ty Sông Đà Phương Nam.
Ngày 28/11/2011, UBND quận Thủ Đức (cũ) ban hành Quyết định số 6670/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng. Đến ngày 24/4/2012, UBND quận Thủ Đức ban hành Quyết định số 2221/QĐ-UBND về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định số 6670/QĐ-UBND của UBND quận Thủ Đức về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với ông Nguyễn Văn Bé. Hiện nay, ông Nguyễn Văn Bé và bà Trà Thị Tho đã chết, để lại tài sản cho các con là ông Nguyễn Văn Hiền, ông Nguyễn Ngọc Hòa, ông Nguyễn Văn Hoài và bà Nguyễn Ngọc Hiệp đang sử dụng với mục đích để ở. Do hoàn cảnh khó khăn, ông Nguyễn Văn Hoài có đại diện cho các anh chị em vay nợ của bà Phạm Thị Diệu (địa chỉ 93/2 Thới An, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) một số tiền để trang trải đám tang cho cha (làm tin bằng cách chuyển nhượng phần đất 444 m2) và có thỏa thuận miệng khi nào trả hết nợ thì bà Diệu sẽ chuyển nhượng lại cho các con ông Bé (không có bằng chứng pháp lý).
"Hiện nay, 4 căn nhà trên nằm ngoài ranh khu dự án Sông Đà Đất Vàng, tuy nhiên Sông Đà Đất Vàng đã cô lập 4 hộ dân nên hiện nay chỉ còn có khoảng 2 - 3 người ở lại để giữ đất nhà (phải đi nhờ đường khác của dân), đường hẻm trước đây Công ty Sông Đà Đất Vàng chiếm luôn, nhà cửa ngập nên không sinh sống được", vị đai diện UBND thành phố Thủ Đức cho biết.