Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị suy giảm nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi về an sinh xã hội, chi cho phòng chống dịch bệnh…, nhưng Bộ Tài chính vẫn luôn xác định đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách nhà nước và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài.
"Chúng tôi đã nghe ý kiến của các doanh nghiệp và tiếp thu để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền với lãnh đạo Nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển. Đồng thời chúng tôi cũng suy nghĩ về việc ban hành chính sách để đảm bảo mục tiêu tài chính đất nước phát triển, tài chính dân cư phát triển, đảm bảo phát triển hài hòa, mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Liên quan đến một số vấn đề “nóng” như giá xăng tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, không bao giờ lấy chênh lệch giá xăng dầu làm nguồn thu mà luôn tính toán tác động đến nền kinh tế. Nhưng muốn kiểm soát giá xăng dầu phải có giải pháp tổng thể, không phải chỉ giảm thuế.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính luôn có tính toán đảm bảo tính đồng bộ quan hệ cung cầu, quỹ xăng dầu, giảm thuế, chống buôn lậu, đảm bảo nguồn cung để có tác động tích cực tới nền kinh tế. Giá xăng dầu của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn Lào, Trung Quốc và 1 số quốc gia lân cận là nỗ lực lớn của cơ quan quản lý.
Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp cần nhất là thị trường, vốn, lao động và cơ sở hạ tầng, cởi mở thủ tục hành chính, do đó với chức năng, quyền hạn, phạm vi công tác Bộ Tài chính sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp.
Chia sẻ cụ thể hơn về những chính sách miễn, giảm thuế Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đã xây dựng dự thảo 2 nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, gồm: Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022 và Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Đối với 2 dự thảo Nghị định nêu trên, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản lấy ý kiến các Bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố; đồng thời, ngày 28/3/2022, Tổng cục Thuế đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo 2 Nghị định nói trên. Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang hoàn thiện dự thảo Nghị định để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4/2022.
"Trường hợp được Chính phủ phê duyệt ban hành, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn vào khoảng 132.000-137.000 tỷ đồng. Khoản gia hạn này sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính, sự hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân", ông Đặng Ngọc Minh nói.
Cùng với lĩnh vực thuế, thời gian qua ngành hải quan cũng không ngừng thực hiện cải cách hiện đại hoá để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thương mại, duy trì dòng chảy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời ban hành, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp.
Theo đó, xác định hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật hải quan là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan tập trung nguồn nhân lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hải quan. Về cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo, trình ban hành Quyết định 07/2021/QĐ-TTg ngày 2/3/2021, Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2021, Thông tư số 121/2021/TT-BTC với các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản cốt lõi trong lĩnh vực hải quan và các thông tư hướng dẫn, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, xử lý các vướng mắc phát sinh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã và đang tăng cường nghiên cứu triển khai hiện đại hóa và trang cấp trang thiết bị hỗ trợ kiểm tra, giám sát hải quan. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại (triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến); triển khai kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong giai đoạn tới, Hải quan Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ như rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về hải quan; tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành hải quan trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ; phối hợp đẩy mạnh triển khai kết nối trao đổi chứng từ điện tử thông qua cơ chế một cửa ASEAN; rà soát triển khai các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia; cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu, các bộ, ngành thực hiện hậu kiểm.
Đặc biệt, ngành hải quan sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp để phấn đấu cải cách thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để cắt giảm chi phí và thời gian, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ.