Tại điểm cầu Vĩnh Long, các Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long thống nhất cao với dự thảo Nghị quyết, đồng thời kỳ vọng Nghị quyết được ban hành sẽ thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, thời gian qua, trước những biến động khó lường do dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời triển khai nhiều chính sách tài chính, tiền tệ gắn với cân đối ngân sách Nhà nước, bước đầu giúp hạn chế sự suy giảm của nền kinh tế, hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp ổn định sản xuất và đời sống, giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu và kỳ vọng phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19 là rất lớn, tăng trưởng GDP quý III năm 2021 của nước ta giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Nói về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh, đây được xem là chính sách bổ sung, nằm ngoài chính sách đã được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 và năm 2022 và khi Gói tài khóa, tiền tệ này được ban hành sẽ góp phần quan trọng vào phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Theo Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, về phân bổ nguồn lực, Chương trình đã phân bổ khá toàn diện. Song, nhìn chung mức độ đầu tư nguồn lực cho các chính sách an sinh xã hội, phục hồi và phát triển thị trường lao động có quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với mục tiêu của chương trình, do đó Chính phủ quan tâm phân bổ thêm nguồn lực hỗ trợ các lĩnh vực và đối tượng.
Cụ thể, Chính phủ cần tăng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thực hành các quy tắc tổ chức lao động an toàn trong tình hình dịch COVID-19 để duy trì sản xuất an toàn. Điều này không chỉ đảm bảo sức khỏe, việc làm và thu nhập cho người lao động mà còn giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương. Đây không chỉ là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch, là cách tiếp cận bền vững về cả kinh tế - xã hội và y tế, góp phần giữ chân người lao động, mà còn là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp tăng cường năng lực, nguồn lực đào tạo lao động hiện có để đáp ứng kịp thời tiến trình chuyển đổi lĩnh vực, ngành nghề và cách thức tổ chức công việc. Đây cũng là giải pháp căn cơ để doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ các nhóm đối tượng trợ giúp xã hội như hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, chủ yếu là người cao tuổi, người khuyết tật. Đặc biệt, hơn 2.000 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ đều tử vong do đại dịch COVID-19 và các nhóm lao động phi chính thức… Có thể nói, đây là những nhóm yếu thế nhất, dễ tổn thương nhất nếu không ổn định việc làm, mất sinh kế bền vững, họ ít có khả năng tự ứng phó trước các cú sốc đặc biệt nghiêm trọng và dài hạn như COVID-19.
Mặt khác, về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, theo tờ trình của Chính phủ, nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khá thỏa đáng: Hạ tầng giao thông là 103,164 nghìn tỷ đồng; cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư hạ tầng chuyển đổi số là 5,686 nghìn tỷ đồng; hạ tầng phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai là 5 nghìn tỷ đồng. Để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu hạ tầng du lịch, góp phần vào thành công chung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần ưu tiên bố trí các nguồn vốn kết hợp từ các nguồn chương trình mục tiêu, vốn đầu tư công hỗ trợ cho các địa phương nhằm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch quốc gia và giải quyết các điểm nghẽn giao thông giữa khu du lịch quốc gia với các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn các tỉnh, thành phố, cũng như định hướng quy hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cũng đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội, bảo đảm sự ổn định của thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi của Chương trình.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nhận định, tình hình dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của đất nước, việc quyết định, triển khai các chính sách hỗ trợ đặc biệt, kịp thời, đột phá và có sức lan tỏa sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới, không để nước ta rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, khi thực hiện gói chính sách tài chính và tiền tệ thì cũng cần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như: Mở cửa nền kinh tế, trong đó chú trọng mở cửa hoạt động du lịch gắn với đảm bảo an toàn; hỗ trợ việc làm; hỗ trợ kinh doanh; khơi thông nguồn lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phong, trong điều kiện khó khăn như hiện nay để phục hồi nền kinh tế phải tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trung và dài hạn. Chính sách tài khóa, tiền tệ cần huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.