Trong bối cảnh phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt chống Nga liên quan đến tình hình Ukraine, Tập đoàn dầu khí Rosneft của nước này đã tăng cường xuất khẩu dầu sang Trung Quốc. Từ tháng 1-4/2014, nguồn cung dầu của công ty này sang Trung Quốc đạt 7,5 triệu tấn, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Phòng điều phối trung tâm của Rosneft.
Phương Tây không vì lợi ích của Ukraine mà sẵn sàng mạo hiểm phong tỏa nguồn cung dầu và khí đốt của Nga. Ảnh: RIA Novosti |
Chỉ tính riêng trong tháng 4/2014, sản lượng dầu xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,8 triệu tấn, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2013, Rosneft cung cấp cho Trung Quốc 15,8 triệu tấn dầu.
Tháng 6/2013, Rosneft đã ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) về việc cung cấp 360,3 triệu tấn dầu trong vòng 25 năm, trị giá 270 tỷ USD. Theo đó, Rosneft tăng xuất khẩu dầu sang Trung Quốc bắt đầu từ tháng 1/2014.
Rosneft cung cấp dầu cho Trung Quốc thông qua hai hướng chính, một là thông qua đường ống nối từ đông Siberia - Thái Bình Dương (ESPO) và hai là quá cảnh qua Kazakhstan.
Liên quan đến các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga, ông Mattias Westman, người đứng đầu của “Prosperity Capital” (một nhà đầu tư lớn của Nga) đánh giá tình hình như sau: "Tôi không nghĩ rằng phương Tây vì lợi ích của Ukraine mà sẵn sàng mạo hiểm phong tỏa nguồn cung dầu và khí đốt của Nga. Nếu không có xăng ở Munich, Vienna hoặc Warsaw và giá dầu Mỹ tăng lên từ 20-30 %, nó sẽ khiến phương Tây thực sự đau đầu. Đối với Nga, điều đó chỉ đơn giản là chuyển sang cung cấp dầu cho Trung Quốc".
Ngày 6/5, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí trừng phạt bổ sung Nga nhằm đáp trả điều mà họ gọi là những hành động "gây bất ổn" của Moskva ở miền Đông Ukraine trong cuộc họp ở Nhà Trắng giữa Tổng thống Barack Obama với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Catherine Ashton.
Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, tại cuộc họp, các quan chức lãnh đạo đã "nhất trí về tầm quan trọng của việc áp đặt bổ sung các biện pháp trừng phạt Nga nếu nước này tiếp tục những nỗ lực gây bất ổn ở Ukraine", đồng thời hối thúc Nga thực hiện cam kết được đưa ra tại Geneva hôm 17/4 vừa qua trong cuộc họp với Mỹ, EU và Ukraine, gồm cả việc sử dụng tầm ảnh hưởng của Moskva để giải giáp quân nổi dậy và can dự hòa bình vào tiến trình chính trị ở Ukraine.
CT (Itar-Tass)