Theo Bộ Tài chính Saudi Arabia, trong quý II, thu ngân sách của nước này lớn hơn chi ngân sách, với mức thặng dư 78 tỷ Riyals (20,8 tỷ USD). Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu từ dầu mỏ tăng 89%, lên tới 250 tỷ Riyals so với khoảng 132 tỷ Riyals của quý II/2021.
Kinh tế Saudi Arabia được hưởng lợi sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, cộng thêm việc giá dầu tăng vọt sau khi bùng phát cuộc xung đột ở Ukraine hồi tháng 2.
Mặc dù nằm trong số các nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới và là nền kinh tế lớn nhất trong khối các nước Arab, Saudi Arabia không thể cân đối ngân sách kể từ khi giá dầu lao dốc vào năm 2014, buộc quốc gia vùng Vịnh này phải vay nợ để bù vào thâm hụt ngân sách.
Vào tháng 12/2021, Saudi Arabia đã thông qua ngân sách năm 2022 với mục tiêu đạt thặng dư lần đầu tiên kể từ khi giá dầu lao dốc năm 2014. Các nhà kinh tế cho rằng nước này cần giá dầu thô neo ở mức khoảng 80 USD/thùng để cân đối ngân sách.
Giá dầu thô đang hạ nhiệt sau khi lên tới trên 100 USD/thùng trong những tháng gần đây.
Trước đó, ngày 3/8, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã quyết định tăng nhẹ sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9 nhằm kiềm chế giá "vàng đen" ngày càng tăng.