Doanh số bán xe giảm và hướng đi mới của doanh nghiệp

Tháng 2/2018, doanh số bán xe ô tô toàn thị trường giảm. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có triển vọng mới khi nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thích nghi để phát triển.

Khách tham quan tìm hiểu các mẫu xe mới được trưng bày tại VIMS 2016. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Doanh số giảm do chính sách mới

Sáng 12/3, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, trong tháng 2/2018, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô (cả xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu) đạt 12.394 chiếc, giảm 52% so với tháng 1/2018.

Trong tổng số xe tiêu thụ trên, ngoại trừ phân khúc xe chuyên dụng tăng 35%, các phân khúc xe du lịch và xe thương mại đều giảm mạnh so với tháng 1/2018.

Cụ thể, doanh số của dòng xe du lịch giảm 53% khi chỉ có 8.660 xe được tiêu thụ; doanh số của xe thương mại giảm 55% với 3.324 xe được bàn giao và doanh số của xe chuyên dụng đạt 410 chiếc, tăng 35% so với tháng trước.

Xét theo xuất xứ xe, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 10.686 xe, giảm 48% trong khi lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 1.708 xe, giảm 68% so với tháng trước.

Lý giải về việc doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô giảm trong tháng 2/2018, giới chuyên doanh cho rằng, đây là tháng trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến doanh số bán xe giảm mạnh là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn, từ đầu năm 2018, Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP đi vào cuộc sống với những quy định siết chặt điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh ô tô, nhiều doanh nghiệp “án binh bất động” để chờ thông tư hướng dẫn Nghị định này.

Khi thông tư được ban hành cũng là thời điểm gần bước vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm khiến doanh nghiệp “trở tay” không kịp để lên kế hoạch sản xuất lắp ráp hay nhập khẩu sản phẩm về phân phối.

Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam giãi bày, chính sách mới khi đi vào thực hiện nên có thời gian nhất định để doanh nghiệp có thể điều chỉnh và từng bước thích nghi bởi ngành ô tô khác với các ngành khác cần có thời gian khoảng 18 tháng để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược.

Nếu một chính sách đưa ra có hiệu lực gấp, việc điều chỉnh kế hoạch của doanh nghiệp rất khó khăn và có những thiệt hại đi kèm. Cụ thể, dịp Tết vừa qua nguồn cung xe khan hiếm, người tiêu dùng không có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm ưu thích cho mình mà giá còn cao.

Trong khi đó, ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Công ty Ô tô Toyota Việt Nam khẳng định, với Nghị định 116/2017/NĐ-CP chính thức được áp dụng từ 1/1/2018, trong 2 tháng đầu năm, các hãng xe trên toàn thị trường; trong đó có Toyota với các mẫu xe như Hilux, Fortuner, Land Cruiser, Land Prado… gần như không thể nhập khẩu xe vào Việt Nam. Vì thế, tổng doanh số bán hàng các mẫu xe Toyota trong tháng 2/2018 của đơn vị này cũng giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tìm cách thích nghi

Các mẫu xe mới được trưng bày tại triển lãm Vietnam Motor Show 2014. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có triển vọng mới khi Honda Việt Nam là hãng ô tô đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT để nhập khẩu xe về phân phối.


Lô xe ô tô Honda khoảng 2.000 chiếc nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam theo diện miễn thuế, gồm các dòng CR-V, Civic, Accord và Jazz đã chính thức cập cảng Việt Nam đầu tháng 3/2018. Dự kiến lô xe này sẽ được mở bán từ đầu tháng 5 tới; trong đó có mẫu xe CR-V với giá rẻ hơn gần 200 triệu đồng so với giá bán ở thời điểm cuối năm 2017.

Dù thuộc diện nhập khẩu với thuế suất 0% nhưng lô xe này phải thử nghiệm về khí thải và chất lượng theo đúng yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP với thời gian khoảng hai tháng, chi phí lên tới 10.000 USD/lần thử nghiệm.

Những xe còn lại trong lô có cùng kiểu loại vẫn phải nằm chờ ở cảng cho đến khi có kết quả của mẫu xe thử nghiệm nếu đạt mới được cùng bán ra thị trường.

Trong khi đó, từ đầu năm 2018 đến nay, ngoại trừ Honda, thị trường ô tô Việt Nam chưa ghi nhận lô xe nào được nhập về theo diện miễn thuế từ các nước ASEAN 0%.

Theo giới chuyên doanh, sau nhiều lần kiến nghị về vướng mắc của Nghị định 116/2017/NĐ-CP, một số liên doanh đã xin được “Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe ô tô nhập khẩu” của Thái Lan và Indonesia.

Sau Honda, tiếp theo là Ford và Toyota, GM Việt Nam… cũng sẽ hoàn tất các thủ tục để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 116/2017/NĐ-CP. Khi đó, các đơn vị  tiếp tục đưa các mẫu xe nhập khẩu vốn “ăn” khách tại thị trường Việt Nam với thuế suất ưu đãi về phân phối để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Văn Xuyên (TTXVN)
Doanh số bán xe ô tô nhập khẩu tăng tới 114%
Doanh số bán xe ô tô nhập khẩu tăng tới 114%

Mặc dù gặp khó khăn do tâm lý chờ đợi mua xe giá rẻ của người tiêu dùng, nhưng tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong tháng 3 vẫn đạt gần 27.000 xe, tăng tới 52% so với tháng liền trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN