Doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế làng nghề

Chiều 27/12, tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hội Doanh nhân trẻ Bắc Ninh đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế làng nghề.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" Nguyễn Văn Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Chú thích ảnh
Đồng chí Nguyễn Văn Bình và các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Diễn đàn là hoạt động thiết thực góp phần hưởng ứng Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển kinh tế" của Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm khơi dậy trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các hộ làng nghề... đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về đổi mới và phát triển kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, làng nghề có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa. Cùng với các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế làng nghề của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề, các làng nghề đã chủ động thực hiện các biện pháp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ mới để vươn lên.

Các ý kiến đóng góp của của doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, ban, ngành tại diễn đàn, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp thu và tổng hợp, qua đó, giúp Đảng, Nhà nước có chính sách mới, đúng, sát với thực tế hơn. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình mong muốn các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể giải quyết khó khăn, tạo điều kiện làng nghề phát triển.

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, hiện nay nhiều làng nghề, ngành nghề nông thôn có quy mô nhỏ, yêu cầu các hiệp hội cần phát huy hơn nữa vai trò của mình giúp các thành viên nắm bắt các chính sách mới, vận dụng phát triển hợp lý. Các cấp chính quyền cần quan tâm đến các làng nghề và ngành nghề nông thôn phát triển bền vững bằng sự hỗ trợ cụ thể; cần phân biệt rõ phạm trù làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn để có những cơ chế, chính sách phù hợp.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cho biết: Hiện nay, cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các sản phẩm của làng nghề đã xuất khẩu sang 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm. Việc phát triển làng nghề là biện pháp cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sản xuất hàng hóa, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, phát triển du lịch văn hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, làng nghề cả nước nói chung và làng nghề Bắc Ninh nói riêng phát triển còn chậm, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thiếu mặt bằng sản xuất, khả năng tiếp cận vốn khó khăn, đặc biệt vấn đề ô nhiễm môi trường tồn tại... Những vấn đề trên đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền có cơ chế, chính sách giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại để làng nghề phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Diễn đàn thu hút nhiều tham luận, đóng góp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân làng nghề. Thông qua đó, tạo cầu nối quan trọng giữa các doanh nghiệp làng nghề cho Chính phủ trong hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế làng nghề.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham luận về "Hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường nhìn từ khía cạnh quy hoạch đất đai tại làng nghề nông thôn Việt Nam". Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Hồng Nhung, Nhà nước cần quan tâm đến môi trường sống, chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần tại làng nghề, đặc biệt, xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đủ mạnh. Các cơ quan chức năng khi quy hoạch đất phát triển làng nghề cần lựa chọn vị trí quy hoạch xây dựng điểm sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại làng nghề, đặc biệt vị trí này cần bảo đảm giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải...

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ các cụm công nghiệp đang hoạt động xử lý nước thải, rác thải và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu mặt bằng mở rộng sản xuất kinh doanh, vì vậy, Hiệp hội mong muốn tỉnh Bắc Ninh đôn đốc các chủ dựa án các cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng...

Thanh Thương (TTXVN)
Làng nghề gốm Chu Đậu trở thành điểm du lịch của Hải Dương
Làng nghề gốm Chu Đậu trở thành điểm du lịch của Hải Dương

Ngày 17/12/2019, Công ty CP Gốm Chu Đậu – thành viên của Tập đoàn BRG đã phối hợp với UBND huyện Nam Sách tổ chức “Lễ công bố quyết định và gắn biển điểm du lịch làng nghề Gốm Chu Đậu” tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương căn cứ theo quyết định số 3009/QĐ – UBND Tỉnh Hải Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN