Ra quân sớm
Sáng mùng 2 Tết (ngày 9/2), toàn thể cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa đã ra quân sản xuất để kịp những đơn đặt hàng lớn trong năm 2016. Việc sản xuất của công ty được khởi động sớm dựa trên dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2016 sẽ rất khả quan. Các nhân viên đều cảm thấy phấn khởi khi trở lại với công việc. Không khí làm việc tại Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Cam Thịnh, Công ty TNHH một thành viên Nước giải khát cao cấp Yến sào Diên Khánh, Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào Khánh Hòa... không khác gì ngày thường.
Các doanh nghiệp dệt may sớm bắt tay vào sản xuất |
Còn từ ngày 5 Tết, các đơn vị sản xuất của Công ty cổ phần Pin Hà Nội (được biết đến với sản phẩm pin con thỏ) đã đến khai xuân. Một số đơn vị như tổ trộn bột đã làm việc ngay để có nguyên liệu phục vụ cho các đơn vị khác chính thức sản xuất từ ngày 6 Tết. Trong năm 2015, doanh nghiệp (DN) này đã kí được nhiều đơn hàng xuất khẩu pin sang Singapore, do đó, công nhân luôn trong tình trạng “làm không hết việc”. Năm 2016 này, DN có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy sản xuất tại Hà Nam và tiếp tục hướng đến thị trường ngoài nước. Anh Nguyễn Đăng Quang, công nhân tại tổ trộn bột chia sẻ: “Từ khi nhà máy xuất khẩu được hàng ra nước ngoài, công việc nhiều hơn hẳn. Đồng thời, thu nhập của chúng tôi cũng được nâng cao”.
Có mặt tại một xưởng sản xuất của Tổng công ty thương mại Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) mới thấy, không khí ra quân sản xuất tại đây diễn ra hết sức khẩn trương, nhộn nhịp. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Giám đốc kinh doanh cho biết: Việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN đã mở ra điều kiện thuận lợi cho các DN về vốn, hàng hóa và cả nguồn lao động. Đây được xem là thời cơ lớn cho các DN trong nước nhưng cũng là một thách thức nếu không có sự chuẩn bị từ trước. Vì vậy, trong năm mới này, việc ra quân sản xuất đầu năm sẽ là động lực cho các DN tự tin hội nhập.
Các DN ngành dệt may cũng đã bước vào một năm mới với không khí hăng say sản xuất từ ngày 8 Tết. 7 giờ sáng tại Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc cho biết: 18 dây chuyền sản xuất tại 7 tỉnh, thành trong cả nước và 11.000 công nhân đồng loạt ra quân. Ngay khi công nhân bắt đầu những đường may đầu tiên, phong bao lì xì được gửi đến tận tay từng người. Sự khích lệ tinh thần này khiến họ thêm phấn chấn trong công việc.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho hay, may mặc là một trong bốn ngành công nghiệp mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh, đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Do đó, trong năm 2016, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia cũng như chủ trương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TP, hầu hết các DN tại TP Hồ Chí Minh đều hi vọng ngành may mặc sẽ có bước phát triển vượt bậc khi hội nhập. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tồn tại, phát triển ổn định.
Bước vào năm 2016, ngành dệt may Việt nam đứng trước nhiều thách thức để đón làn sóng hội nhập. Nguồn nguyên liệu và đặc biệt là năng suất lao động đang là những lực cản cần nhanh chóng được cải thiện. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Chúng tôi hi vọng trong khí thế mới của mùa xuân, cán bộ và lao động ngành dệt may sẽ có thêm động lực, quyết tâm cao để thực hiện được các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đặt ra trong năm 2016, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD, tạo ra thêm 300.000 việc làm mới trên cả nước”.
Đại diện Công ty Yến sào Khánh Hòa cũng tỏ ra rất lạc quan vào năm 2016. Ngay từ đầu năm, công ty đã đề ra nhiều giải pháp, xây dựng chiến lược thích ứng với tình hình mới, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và giữ vững năng lực cạnh tranh. Bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào Cam Thịnh (đơn vị thành viên) chia sẻ: “Năm 2016, chúng tôi đặt kế hoạch 114 triệu sản phẩm với doanh thu 1.500 tỷ đồng. Trong tháng 1/2016, chúng tôi đã lập kỷ lục về doanh thu từ khi thành lập. Vì vậy, năm nay hứa hẹn doanh thu toàn công ty tiếp tục tăng trưởng cao”.
Tại khu vực TP Hồ Chí Minh, không khí sản xuất đầu năm của các DN FDI cũng nhộn nhịp không kém. Trong năm qua, các DN FDI đã góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế của thành phố. TP Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đạt trên 4,5 tỷ USD.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều DN FDI đã ra quân từ mùng 4 - 5 Tết. Năm 2016, khu công nghệ cao tiếp tục “trải thảm” thu hút thêm những dự án mới. Tuy nhiên, để các dự án đầu tư FDI đạt hiệu quả hơn, các dự án phải chứng minh được giá trị mang lại. “Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến những tác động tới phát triển công nghiệp nội địa, mang lại giá trị gia tăng nội địa và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, nói cách khác là không chạy theo số lượng mà quan tâm đến chất lượng và sức lan tỏa của dự án”, ông Quốc cho hay.