Doanh nghiệp nỗ lực giữ khách

Sức mua trên thị trường xuống thấp, trong khi chi phí đầu vào như: xăng dầu, nguyên vật liệu… đều tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách để không tăng giá, kích cầu tiêu dùng.

 

Giữ ổn định giá bán


Chuyên phân phối những mặt hàng tiêu dùng như: kẹo, sữa, tã giấy trẻ em… từ Hàn Quốc, doanh nghiệp của chị Nguyễn Thu Phương ở Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP Hồ Chí Minh) đưa ra phương châm giữ ổn định giá bán dù chi phí đầu vào tăng. Giải pháp chính được chị lựa chọn là thu gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí hoạt động tối đa, linh hoạt bổ sung những chương trình khuyến mãi… “Hơn 3 tuần trước, giá xăng bất ngờ được điều chỉnh tăng từ 130 - 420 đồng mỗi lít và là lần thứ hai tăng giá trong vòng nửa tháng, với mức tăng tổng cộng 750 đồng mỗi lít. Mới đây ngày 28/7, giá xăng dầu có giảm nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với 6 đợt điều chỉnh giá từ đầu năm đến nay”, chị Phương than.

 

Doanh nghiệp đang nỗ lực kìm giá để giữ chân người tiêu dùng.


Nhiều chuyên gia nhận định, trong thời điểm này, các doanh nghiệp cố gắng kìm giá để chia sẻ với người tiêu dùng. Tuy nhiên, mức cầm cự này sẽ không thể kéo dài đến những tháng cuối năm.

Khảo sát của phóng viên tại các siêu thị trọng điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như Co.op mart, BigC… cho thấy giá cả hầu hết các mặt hàng đều ổn định, thậm chí một số mặt hàng còn giảm so với đầu năm 2014. Cụ thể, tại Big C, nhóm quần áo may sẵn có mức giảm từ 28 - 46%; mặt hàng thuộc nhóm hàng gia dụng, điện máy như: nồi cơm điện, máy xay sinh tố… giảm 20 - 35%. Còn tại hệ thống siêu thị Co.op mart, hầu hết nhóm hàng nhu yếu phẩm đều duy trì mức giá ổn định. Đại diện doanh nghiệp cho hay, họ vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị tăng giá nào của các nhà cung cấp, nhưng nếu có đề nghị tăng giá, Co.opmart sẽ cẩn trọng thẩm định. Nếu đề nghị tăng giá không hợp lý, đơn vị sẽ cương quyết không chấp nhận.


Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng từ gia súc, gia cầm… đang gặp khó khăn khi hàng loạt chi phí đầu vào tăng cao, trong đó riêng giá thu mua thịt lợn, thịt gà đã tăng từ 5 - 10% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp chấp nhận lãi ít, tiết kiệm chi phí để duy trì giá cả, tránh biến động và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. “Chúng tôi cam kết giữ giá ổn định từ nay đến cuối năm. Riêng từ nay đến ngày 25/8, nhiều mặt hàng của Vissan sẽ giảm giá 5-10%, bao gồm chả giò hải sản, hoành thánh trẻ em, sủi cảo… giảm 5%; thăn heo xông khói, xúc xích, sườn nấu đậu… giảm 10%”, ông Mười cho biết thêm.


Kích cầu


Đánh giá của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm, sức mua của thị trường chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng, nguyên liệu phục vụ sản xuất... Theo Bộ Công Thương, để tăng mãi lực, ngoài các chương trình khuyến mại kích cầu, các doanh nghiệp cần chú trọng những giải pháp dài hơi như: nâng cao chất lượng hàng hóa, chất lượng phục vụ, nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, cơ cấu lại tổ chức sản xuất, hạ giá thành sản phẩm…


Để cải thiện sức mua, hiện các doanh nghiệp bán lẻ, nhà phân phối… đang tăng cường nhiều giải pháp kích cầu. Tại hệ thống Big C, doanh nghiệp đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi với mức giảm giá đến 50% cho hơn 1.250 mặt hàng, trải rộng ở hầu hết các ngành hàng bao gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hóa mỹ phẩm đến đồ gia dụng, điện tử... Ngoài ra, để đón mùa tựu trường, Big C sẽ giảm 5-50% cho những mặt hàng như tập vở, bút thước, đồng phục học sinh, cặp, balô học sinh. Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác như hệ thống điện máy Nguyễn Kim, nhà sách Phương Nam, Viễn Thông A… cũng đang tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá ưu đãi để thu hút khách hàng đến mua sắm.


Nhìn về các tháng cuối năm 2014, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù có nhiều biến động đầu vào nhưng giá cả hàng hóa cơ bản sẽ vẫn ổn định. Các doanh nghiệp sẽ duy trì nhiều biện pháp giảm lãi để chia sẻ với người tiêu dùng và giải phóng lượng hàng tồn kho. “Khó khăn chỉ tạm thời và người tiêu dùng sẽ tăng cường chi tiêu trở lại khi kinh tế bớt khó khăn. Vì vậy, điều quan trọng cần làm lúc này là các doanh nghiệp cần nỗ lực kềm giá, giữ thị phần, cũng như duy trì việc kinh doanh. Các ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường trong nước nhằm chủ động và có các biện pháp linh hoạt điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá”, bà Nguyễn Thu Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Dương đề nghị.

 

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua suy thoái Dự báo kinh tế vĩ mô cho thấy, từ nay đến cuối năm, vẫn còn nhiều thách thức ở cả hai tuyến nội địa và xuất khẩu. Thế nên, Chính phủ cần tạo điều kiện tối đa, ưu đãi cho doanh nghiệp để họ có sức khỏe vượt bão suy thoái. Nếu ngành xăng dầu cứ giữ cho mình an toàn, thì rất khó để vực dậy nền kinh tế đang uể oải hiện nay. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả: Người tiêu dùng nên chia sẻ Bộ Tài chính đã rất linh hoạt trong việc tăng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để bảo đảm hài hòa lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình như trong một thời gian dài, Bộ Tài chính đã giảm mức thuế này xuống 0%, đồng thời không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm kiềm chế giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, do Việt Nam đang tiến đến điều hành theo cơ chế thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, nên việc hạ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Do đó, người tiêu dùng cũng nên thông cảm và chia sẻ với Nhà nước.

 

 Lê Nghĩa - Hải Yên

Hàng Việt lên ngôi, người tiêu dùng bớt “sính ngoại”
Hàng Việt lên ngôi, người tiêu dùng bớt “sính ngoại”

Sau nhiều năm, thị trường vùng cao biên giới Lào Cai bị các mặt hàng Trung Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung chiếm lĩnh hầu hết thị phần cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ bình dân đến cao cấp...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN