Thực phẩm chợ lẻ “rủ nhau” tăng giá
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức tại khu vực TP Hồ Chí Minh, giá các loại thực phẩm tại các chợ bán lẻ đã bắt đầu “leo thang”. Đặc biệt, có sự chênh lệch khá lớn về giá hàng hóa giữa siêu thị và chợ bán lẻ. Cụ thể, giá cà rốt, khoai tây bán tại các siêu thị ở mức từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; cải xanh, cải ngọt giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg nhưng tại các chợ bán lẻ như Phước Long B (quận 9), Thị Nghè (quận Bình Thạnh), Bến Thành (quận 1), giá cà rốt, khoai tây ở mức “ngất ngưởng” 20.000 - 25.000 đồng/kg; cải xanh, cải ngọt 15.000 - 18.000 đồng/kg.
Giá cả tại các chợ bán lẻ thường cao hơn chợ đầu mối do phải cộng thêm các chi phí vận chuyển, phí tại chợ... |
Mặt khác, khi so sánh giá tại các chợ bán lẻ với giá tại các chợ đầu mối, có thể thấy, giá các loại thực phẩm như rau củ quả và hải sản tươi sống bị đẩy lên rất cao với mức từ 30 - 50% trở lên. Chẳng hạn, cá diêu hồng ở các chợ bán lẻ dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, còn chợ đầu mối Bình Điền chỉ ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg, cá nục tại chợ bán lẻ có giá khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg trong khi ở chợ đầu mối chỉ 20.000 - 23.000 đồng/kg… Giá cà chua tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dao động từ 11.000 - 13.000 đồng/kg nhưng khi về các chợ lẻ bị đẩy giá lên 17.000 - 20.000 đồng/kg…
Giá các loại thịt gia súc, gia cầm tại các chợ bán lẻ cũng chênh cao so với chợ đầu mối. Ghi nhận tại các chợ bán lẻ như Phước Long B, Bến Thành, Thị Nghè… cho thấy, giá thịt ba chỉ dao động từ 95.000 - 98.000 đồng/kg, trong khi đó tại chợ đầu mối chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Giá thịt gà thả vườn tại chợ đầu mối từ 60.000 - 65.000 đồng/kg, gà công nghiệp 40.000 - 45.000 đồng/kg… nhưng tại các chợ bán lẻ giá được đẩy lên 80.000 - 100.000 đồng/kg với gà thả vườn, gà công nghiệp 60.000 - 70.000 đồng/kg…
Nếu so sánh với giá tại Đà Lạt - nguồn cung rau xanh lớn cho thị trường TP Hồ Chí Minh thì người tiêu dùng sẽ càng “choáng” hơn nữa. Chẳng hạn, giá cải xà lách chỉ 8.000 đồng/kg, nhưng tại chợ lẻ TP Hồ Chí Minh được bán với giá 40.000 đồng/kg; khoai tây Đà Lạt giá chỉ 18.000 đồng/kg loại trung nhưng về TP Hồ Chí Minh đã được đẩy lên hơn 25.000 đồng/kg.
Tại thị trường Hà Nội, những người bán hàng và các bà nội trợ cho biết, trong khoảng một tháng qua, một số loại thực phẩm và rau xanh đã tăng giá. Chị Nguyễn Hiền, một người bán thịt tại chợ cóc khu vực Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cho biết, giá mua buôn thịt lợn tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Hiện nay, tại các chợ, giá thịt nạc vai, thịt ba chỉ là 90.000 đồng/kg, thịt (mông, vai) sấn là 80.000 đồng/kg. Đùi gà công nghiệp cũng tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Riêng gà ta tăng đến 20.000 đồng/kg so với khoảng một tháng trước, ở mức 120.000 đồng/kg.
Một người dân đi mua thực phẩm ở chợ đầu mối Mai Dịch chia sẻ: “Gần đây, giá một số rau quả, thực phẩm lại tăng giá, tôi phải tranh thủ đi chợ đầu mối để mua thực phẩm cho rẻ; chứ mua tại các chợ bán lẻ thì giá cao hơn hẳn”.
Như vậy, có thể thấy, thực phẩm thiết yếu khi về đến các chợ dân sinh được bán đến tay người tiêu dùng với giá cao hơn rất nhiều so với giá chợ đầu mối hoặc giá gốc từ người sản xuất.
Sức mua chưa được cải thiện
Nhận định về thị trường trong 6 tháng đầu năm 2014, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm 2014, bao gồm cả dịp Tết, chỉ tăng trưởng khoảng 5,5%. Đây là mức chi tiêu thấp.
Mặc dù giá hàng hóa khá ổn định so với các chợ, nhưng các siêu thị vẫn phải chịu áp lực tăng giá bán dù sức mua còn yếu, do hàng hóa đầu vào tăng giá. Bà Đàm Chi Phương, Giám đốc siêu thị Satra Sài Gòn, cho biết, các nhà sản xuất đã thông báo tăng giá các mặt hàng thực phẩm lên từ 5 - 20%. “Nếu thị trường tăng, buộc siêu thị cũng phải tăng theo. Tuy nhiên, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại siêu thị hiện vẫn có giá ổn định”, bà Phương cho biết.
Tại siêu thị Big C (Hà Nội), do đang trong thời gian khuyến mại, lượng khách hàng có tăng lên nhưng chủ yếu mua các mặt hàng đang giảm giá, trong đó tập trung vào các sản phẩm đồ tiêu dùng thường ngày. Theo ông Vũ Vinh Phú, bình quân một giỏ hàng ở siêu thị trước đây là 272.000 đồng/giỏ, giờ chỉ còn 230.000 đồng/giỏ. Cơ cấu tiêu dùng cũng đang thay đổi. Cụ thể, 70% số tiền tiêu dùng của người dân dành để mua thực phẩm, mặt hàng không thể tiết giảm được. “Mặc dù lãi suất ngân hàng giảm, nhưng tiền gửi tiết kiệm lại tăng lên. Điều đó chứng tỏ người dân đang bớt chi tiêu, tập trung tích lũy”, ông Phú phân tích.
Cũng theo ông Phú, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 chỉ tăng 1,38% so với tháng 12/2013. Hơn nữa, hàng giả, hàng lậu cũng ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng, nó tiêu diệt sức mua chính thống, bởi người dân đã mua hàng lậu thì sẽ thôi mua hàng trong nước nên cầu đối với hàng nội giảm đi.
Về thực trạng nông sản bị ép bán với giá thấp mà giá hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng vẫn cao, ông Phú cho rằng, đó là tính bảo thủ trong giá. Tức là giá cao mà không hạ. Nguyên nhân là do hệ thống phân phối qua rất nhiều khâu trung gian, khiến giá muốn giảm cũng khó, hoặc không thể giảm ngay được. Ví dụ, một cân đường tại nhà máy có 12.000 đồng nhưng siêu thị không mua trực tiếp từ nhà máy được mà phải qua nhiều đại lý: đại lý cấp toàn quốc, đại lý cấp vùng, đại lý cấp quận, huyện… Mỗi đại lý cộng thêm 15% vào giá, nên khi đường đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức 21.000 - 25.000 đồng/kg trong khi đúng ra chỉ 18.000 đồng. Các mặt hàng nông sản khác… cũng trong tình trạng tương tự.
Nhóm PV
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh: Giá tăng không phải do thiếu hàng hóa Không có chuyện rau củ quả tăng giá do thiếu hàng hóa. Sở dĩ các mặt hàng rau củ tại chợ bán lẻ có giá cao hơn chợ đầu mối là do phí vận chuyển, phí tại chợ được các tiểu thương cộng luôn vào giá bán sản phẩm. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp vận tải tăng chi phí vận chuyển do bị siết trọng tải cũng khiến cho giá hàng hóa bị đẩy lên.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai: Sức mua thịt gia súc, gia cầm bão hòa Hiện nay, giá thịt gia súc, gia cầm tại các trang trại vẫn đang đứng giá so với hai tuần trước, nhưng lại tăng giá so với thời điểm có dịch cúm, dịch lợn tai xanh. Theo đó, giá gà sống tại các trang trại dao động khoảng 43.000 - 45.000 đồng/kg. So với thời điểm dịch cúm gia cầm, giá gà đã tăng khá cao. Giá thịt lợn hơi hiện khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg, trước đó chỉ 40.000 - 42.000 đồng/kg. Với giá cả ổn định như trên sẽ thuận lợi cho người nông dân tái đàn vì chăn nuôi đã có lãi. Tuy nhiên, sắp tới giá gia súc, gia cầm sẽ không tăng bởi lượng hàng hóa khá dồi dào và sức mua ở mức bão hòa.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Mở sàn để người bán gặp người mua Nhà nước cần tổ chức những sở giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch hàng hóa để người mua và người bán gặp nhau, nhằm minh bạch thông tin. Hiện nay, 80% thông tin mua bán trên thị trường Việt Nam không ai nắm được, trong khi đó ở Hàn Quốc, bà bán khoai lang cũng biết hôm nay bán khoai lang ở thị trường nào là được giá tốt. Thông tin mua bán thiếu minh bạch khiến người mua và người bán đều chịu thiệt. Chúng ta cần có vai trò “nhạc trưởng” để làm nhiệm vụ này, mà “nhạc trưởng” ở đây là Bộ Công Thương và sở công thương các tỉnh, thành. |