Hàng Việt lên ngôi, người tiêu dùng bớt “sính ngoại”

Sau nhiều năm, thị trường vùng cao biên giới Lào Cai bị các mặt hàng Trung Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung chiếm lĩnh hầu hết thị phần cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ bình dân đến cao cấp... Nhưng thời gian gần đây, thị hiếu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lào Cai có sự thay đổi, hàng Việt lên ngôi chiếm lĩnh thị trường với đủ chủng loại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cư dân vùng cao biên giới, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong tâm lý người tiêu dùng Lào Cai.


Người dân bản địa dần "chuộng" hàng Việt


Ánh bình minh dần hiện trên đỉnh núi Cô Tiên tỏa sáng cả một vùng trên cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai), cũng là lúc nhóm phóng viên chúng tôi có mặt tại chợ phiên Bắc Hà để kịp đắm mình với vẻ đẹp chợ phiên văn hóa truyền thống Bắc Hà. Chợ phiên Bắc Hà nức tiếng vùng Tây bắc họp vào thứ 7 và ngày chủ nhật hàng tuần, cứ đến hẹn, du khách và người dân bản địa đến chợ rất đông. Du khách đến chợ để được trải nghiệm cuộc sống vùng cao, chụp ảnh, ghi hình nét đẹp văn hóa truyền thống bản địa, còn người dân bản địa vượt đồi, rừng đến chợ để thông thương trao đổi mua bán những vật dụng thiết yếu dùng cho đời sống sản xuất gia đình.


Tại khu vực gian hàng thổ cẩm, chúng tôi gặp Vàng Văn Sao, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đang cùng vợ chọn chiếc váy hoa xòe thổ cẩm với nhiều nét hoa văn tinh tế. Hỏi ra mới biết vợ chồng anh Sao đang chọn mua váy mới cho con gái sắp về nhà chồng. Vợ chồng anh quyết định chọn mua hàng Việt Nam thay vì hàng Trung Quốc bởi váy do Việt Nam sản xuất khi giặt không bị phai màu.


Chị chủ quán Hoàng Thị Hằng tay vừa thoăn thoắt đóng hàng vừa giới thiệu các mặt hàng váy, khăn, thảm, hàng lưu niệm... được nhập từ khắp các bản trên rẻo cao Lào Cai... Còn tại một góc quầy hàng bên cạnh cũng đủ các mặt hàng tương tự đẹp sặc sỡ không kém hàng chị vừa được giới thiệu là hàng nhập từ Trung Quốc. Chị Hằng cho biết thêm: Trước đây, cửa hàng chị nhập mỗi tháng từ 40 đến 50 triệu đồng tiền hàng từ bên kia biên giới, nhưng giờ nhập ít vì không bán được nhiều do chất lượng không tốt bằng hàng thổ cẩm Lào Cai. Bên cạnh đó, từ xã cho đến huyện, cán bộ đều nói "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nên người dân đều hiểu và dần thay đổi tâm lý mua hàng.


Trong khuôn viên chợ, những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu chỉ còn một số ít nhãn hàng Trung Quốc được bày bán, còn phần lớn các sạp hàng vị trí mặt tiền đã nhường chỗ cho nhãn hiệu hàng Việt như: đồ nhựa gia dụng (thau, chậu, ghế...) Song Long; đồ dùng sản xuất (cày, cuốc, dao) của đồng bào Mông, Dao; thực phẩm (hồ tiêu, tương ớt, mì chính, hoa trái...) của Công ty Vissan, Trung Thành... Đặc biệt, các công ty may mặc như Việt Tiến, Nhà Bè, Vinatex... đều có các cửa hàng, đại lý tại khu vực trung tâm thị trấn Bắc Hà thu hút rất đông khách hàng trong đó có cả đồng bào dân tộc bản địa.


Trao đổi với ông Giàng Seo Vần, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lào Cai, Phó ban Thường trực chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" tỉnh Lào Cai, ông cho biết, ý thức người tiêu dùng bản địa vùng cao Lào Cai đã có những chuyển biến khá tích cực, đồng bào đã nhận thức đúng đắn hơn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận người dân tộc bản địa dần thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng, nhờ cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" đã về tận bản.


"Người Việt dùng hàng Việt" đã về tận bản...


Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" tỉnh Lào Cai, thời gian qua, song song với tuyên truyền, các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức 8 phiên chợ hàng Việt tại khu vực vùng cao, biên giới và khu công nghiệp với trên 460 gian hàng thu hút 120.000 lượt khách đến thăm quan và mua sắm. Cùng với đó, việc chỉ đạo, theo dõi triển khai các chương trình khuyến mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và xây dựng thương hiệu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất thiết lập hệ thống phân phối. Công tác quản lý thị trường cũng được tăng cường giám sát chặt chẽ, nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. 90% hàng hóa mang thương hiệu Việt đang chiếm lĩnh thị trường nông thôn chính là con số đáng khích lệ cho sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc làm thay đổi tâm lý, thói quen của người tiêu dùng, từ hàng ngoại sang hàng nội.


Bên cạnh đó, từ khi Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai triển khai và phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" năm 2009 đã mở ra “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp Lào Cai phát triển năng lực sản xuất kinh doanh, tạo uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu khẳng định vai trò, trách nhiệm và năng lực sản xuất đối với thị trường và người tiêu dùng vùng cao Lào Cai, cũng như trong cả nước. Đặc biệt, ngày càng có nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Lào Cai đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, giá cả hợp lý cũng như thị hiếu của người tiêu dùng, góp phần giúp hàng Việt từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu như: gạch nung theo dây chuyền công nghệ mới, gạch ép thủy lực và ống công bê tông, phân bón tổng hợp NPK của Công ty Apatit Việt Nam, gạo Séng Cù, rượu Sán Lùng, Bắc Hà, tương ớt Mường Khương, các loại giống lúa của Lào Cai LC212, LC270, LC2...


Theo ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, năm 2014 đánh dấu chặng đường 5 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đạt được cho thấy đây thực sự là những tín hiệu tốt để tiếp tục triển khai Cuộc vận động trong thời gian tới. Tỉnh Lào Cai sẽ chú trọng nhân rộng những cách làm hay của một số địa phương đạt hiệu quả cao trong cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Đơn cử như tại huyện Bát Xát, Ủy ban MTTQ huyện đứng ra làm nòng cốt, chỉ đạo các ngành liên quan như Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, nông dân... lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dùng hàng Việt. Các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng áp dụng phương thức thanh toán trả chậm, đổi hàng hoặc ưu đãi lãi suất thanh toán trả chậm... để bán hàng tới tận bản, nhằm chiếm lĩnh thị trường.


Tuy nhiên, để hàng Việt nói chung và hàng tại Lào Cai nói riêng đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước, các ngành liên quan tỉnh Lào Cai cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Cuộc vận động, tạo thói quen mua sắm hàng Việt. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp như tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước theo đúng chủ trương cuộc vận động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác, đầu tư. Ngoài ra, cần có thêm hàng loạt các giải pháp như phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong các khâu cung cấp thông tin, khai thác thị trường, chống cạnh tranh không lành mạnh, chống bán phá giá, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.


Nguyễn Thắng

Hàng Việt khẳng định sức mạnh lan tỏa
Hàng Việt khẳng định sức mạnh lan tỏa

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã kết thúc chặng đường 5 năm và khẳng định sức lan tỏa cũng như nhiều lợi ích trong đời sống xã hội. Có lẽ chính từ chương trình này mà niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN