Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã kết thúc chặng đường 5 năm và khẳng định sức lan tỏa cũng như nhiều lợi ích trong đời sống xã hội. Có lẽ chính từ chương trình này mà niềm tin và tình cảm của người dân Việt Nam đối với hàng nội không ngừng được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng sử dụng hàng nội nhiều hơn. Các doanh nghiệp cũng vì thế mà luôn nỗ lực cải tiến kỹ thuật, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm.
Tích cực dùng hàng Việt
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/7 tại Hà Nội, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay: Kể từ khi có cuộc vận động, các đợt bán hàng Việt về nông thôn đã tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn. Cũng trong 5 năm qua, các Sở Công Thương tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn, có 53.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 48.000 gian hàng, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân tới tham quan mua sắm. Doanh thu mang lại qua các đợt bán hàng này là hơn 34,47 nghìn tỉ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia.
Hàng Việt Nam bày bán tại siêu thị Coop Mart Hà Nội (ảnh tư liệu). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Ngành công thương đã tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá và đưa sản phẩm tới người tiêu dùng một cách hữu hiệu. Gần đây nhất, để hỗ trợ tiêu thụ quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương tại thị trường trong nước, ngày 16/6, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Giang và Hải Dương đã tổ chức Hội nghị vùng Đông - Tây Nam Bộ về đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2014. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận về các nhóm giải pháp ngắn hạn, dài hạn nhằm phát triển và kết nối tốt hơn trong việc sản xuất, tiêu thụ các loại rau, củ, quả nói chung và quả vải thiều nói riêng.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối lên trên 80%.
Bà Lê Việt Nga |
Đại diện cho địa phương, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ: Nhận thức của người dân về việc dùng hàng Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Điều này thể hiện qua việc mua sắm, tiêu dùng hàng Việt chiếm tỷ lệ cao.
Mở rộng kênh phân phối
Về phía doanh nghiệp, các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương, trong thời gian qua đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước. Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn đã thành lập hệ thống siêu thị bán lẻ Vinatexmart. Trước đây, hệ thống cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp dệt may chỉ có mặt ở những thành phố lớn, nay người tiêu dùng đã dễ dàng tìm thấy hệ thống bán lẻ hàng may mặc ở khắp các tỉnh, thành phố. Ngoài hệ thống siêu thị Vinatexmart, các đơn vị thành viên của tập đoàn như Việt Tiến, May 10, Đức Giang, Hanosimex, Phong Phú… cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng, đại lý giới thiệu sản phẩm về khắp các địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Saigon Co.op cho hay: Tại hệ thống Siêu thị Co.opmart, hiện hàng Việt cũng chiếm từ 90% đến 95% cơ cấu hàng hóa. Điều đáng mừng là sau hàng loạt những thông tin về độ nguy hại của những sản phẩm hàng hóa Trung Quốc, hàng không rõ xuất xứ, nhãn mác, người tiêu dùng càng thêm tin cậy vào sản phẩm Việt, đặc biệt là nhóm hàng hóa mỹ phẩm, may mặc, dụng cụ nhà bếp, đồ dùng gia đình, lương thực thực phẩm.
Uyên Hương