Chiều 2/7, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp: Lựa chọn nào thời hậu COVID-19.
Dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đại dịch này cũng làm thay đổi chính sách chiến lược của doanh nghiệp theo hướng chưa từng có tiền lệ: Một số chi phí từng được các nhà lãnh đạo cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi; trong khi đó một số năng lực vốn được xem như kiến tạo khác biệt thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, dự báo tình hình COVID-19 trên thế giới còn phức tạp, phần lớn thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam còn lún sâu trong khủng hoảng do vậy việc mở cửa thị trường thế giới cần thận trọng.
TS Vũ Tiến Lộc cũng thông tin, mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 2,7% là mức tăng khá thấp nhưng con số này vẫn được xem là mức cao ở Châu Á. Việt Nam đã tạm thời kiểm soát thành công dịch COVID-19 và bước vào giai đoạn phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro và bất định. "Chính vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế phải đặt trên bối cảnh như vậy”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, thực tiễn chỉ ra rằng động lực lớn nhất của tăng trưởng là cải cách thể chế, dư địa lớn nhất cũng là cải cách thể chế. “Năm 2016 có làn sóng xóa bỏ điều kiện kinh doanh trong thông tư của bộ ngành. Đây là làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh đầu tiên. Làn sóng cắt giảm điều kiện kinh doanh thứ hai là xóa bỏ 50% điều kiện kinh doanh trong 2018. Năm nay khởi động làn sóng cắt 20% điều kiện kinh doanh để đưa môi trường kinh doanh vào nhóm 4 ASEAN”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo TS Cấn Văn Lực, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn tới nền kinh tế thế giới, tác động đối với cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Dự báo, kinh tế thế giới 2020 sẽ suy thoái, giảm khoảng 3-4% so với năm 2019, nhưng sẽ hồi phục mạnh trong năm 2021. Tại Việt Nam, bước đầu công tác phòng chống dịch đã có hiệu quả, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và bán lẻ, thu hút FDI bắt đầu hồi phục từ đầu tháng 4/2020. Cùng với đó, giải ngân đầu tư công cũng cải thiện tích cực,thị trường chứng khoán hồi phục khá trong quý 2 sau khi giảm mạnh trong tháng 2 và 3. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2020 dự báo sẽ thu hút dòng vốn đầu tư chuyển dịch khả quan.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 tác động đến mọi lĩnh vực, GDP 6 tháng đầu năm 2020 thấp nhất trong 10 năm qua, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 38,2%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2019.
Theo TS Cấn Văn Lực, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội hiệu quả thì Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ phát triển hiệu quả các gói hỗ trợ, an sinh xã hội... Cùng với đó, tìm kiếm, phát huy các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy xuất khẩu các thị trường còn tiềm năng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát như Mỹ, EU, ASEAN, Hàn Quốc...
Đặc biệt, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các cú số bên ngoài; đẩy mạnh cải cách thực chất môi trường kinh doanh, nhất là thủ tục hành chính và giảm chi phí cho doanh nghiệp....
“Năm 2020 là năm rất nhiều khó khăn và thách thức, để duy trì và phát triển, doanh nghiệp cần thực hiện đổi mới mô hình, chiến lược kinh doanh, xây dựng và thực hiện quy chế làm việc trong bối cảnh “bình thường mới”. Cùng với đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số, đa dạng nguồn vốn và tăng cường kết nối, xác lập và chủ động định vị trong chuỗi giá trị”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tú Thành, Phó Gám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại sau đại dịch COVID-19. Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cho thấy, các nhà đầu tư đang đa dạng hoá thị trường đầu tư và chi phí là yếu tố mà doanh nghiệp quan tâm nhất khi xem xét một thị trường mới cho đầu tư.
Ông Thành cho biết, trong năm 2019, kim ngạch hàng hoá Mỹ nhập khẩu từ các nước châu Á đạt giá trị 31 tỷ USD, trong đó, Việt Nam chiếm 46%. Điều này cho thấy Việt Nam đang hưởng lợi từ dòng dịch chuyển, mở rộng đầu tư, đa dạng hoá ngoài Trung Quốc.
“Việt Nam luôn luôn đứng đầu trong 13 nước châu Á đón nhận dòng đầu tư từ Mỹ. Đây là một tin vui cho Việt Nam”, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ lo lắng về môi trường kinh doanh của Việt Nam, trong đó là vấn đề ổn định chính sách mà đặc biệt là chính sách về thuế, kinh tế số... còn sơ khai và chưa nhất quán; hay vấn đề điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng lo ngại vấn đề hạ tầng bao gồm cả hạ tầng cứng và mềm. Do đó, ông Thành cho rằng, Việt Nam cần khắc phục những điểm nghẽn này để thực sự thu hút được dòng đầu tư chất lượng.