Tuy nhiên, với đặc thù kinh doanh hầu hết là nhỏ và siêu nhỏ cùng các ngành nghề du lịch - dịch vụ và nông nghiệp, các đối tượng này dễ bị tổn thương bởi tác động từ nhiều yếu tố môi trường, xã hội. Một số giải pháp phối hợp và hỗ trợ Hợp tác xã, doanh nghiệp nữ dân tộc thiểu số Lào Cai mở rộng kinh doanh đang được khởi động tại địa phương này với kỳ vọng phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19.
Điêu đứng sau dịch
Năm 2018, với ý tưởng khôi phục nghề nhuộm, dệt vải truyền thống và làm hương (nhang) thủ công bằng các loại gỗ, trầm, thảo mộc sẵn có của địa phương, chị Sùng Thị Lan ở xã Tả Van, Sa Pa, Lào Cai quyết định thành lập Hợp tác xã Mường Hoa.
Điều đặc biệt là các sản phẩm của hợp tác xã được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình chế biến, sản xuất. Hiện nay, Hợp tác xã có 9 hộ thành viên trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 2 hộ gia đình chính sách.
Ngoài ra hợp tác xã còn tạo thêm việc làm không thường xuyên cho 6 lao động địa phương. Không chỉ bán sản phẩm ở địa phương, vải nhuộm, các sản phẩm túi, áo, váy thổ cẩm, hương (nhang) thảo mộc của Hợp tác xã Mường Hoa đã có mặt tại thị trường các tỉnh thành trong nước. Mỗi tháng, lợi nhuận từ việc làm vải, hương mang về cho chị khoảng 12 triệu đồng, gấp nhiều lần việc trồng lúa, ngô.
Chị Lan cho hay, ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, có thể chăm sóc cho 2 con tốt hơn, chị cảm thấy tự hào khi đang gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương.
Tuy vậy, chị Sùng Thị Lan cho biết, dịch bệnh COVID thời gian qua đã thực sự khiến Hợp tác xã điêu đứng, thị trường tiêu thụ đóng băng, các thị trường tiềm năng ở nước ngoài cũng ngưng trệ, HTX của chị gần như không còn khả năng duy trì sản xuất do doanh thu quý 1 sụt giảm tới 80%.
Việc dừng sản xuất không chỉ “phá tan” mục tiêu tăng trưởng 120% doanh thu so với năm 2019, mà khiến Hợp tác xã có thể giải thể. Chị Lan cho biết, Hợp tác xã mong muốn được hỗ trợ kết nối thị trường sau khi hết dịch để khôi phục sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, bắt tay thực hiện các kế hoạch khôi phục sản phẩm nghề truyền thống bản địa.
Lâm vào hoàn cảnh tương tự như Hợp tác xã Mường Hoa, tổ hợp tác liên kết chuyên sản xuất rau củ sây và các loại cao thiên nhiên Sa Pa cũng mong mỏi được hỗ trợ mở rộng thị trường sau đại dịch. Được thành lập từ năm 2017 bao gồm 11 thành viên, Tổ hợp tác sử dụng nguồn rau củ sạch Sa Pa để chế biến thành sản phẩm rau củ sấy với đặc trưng màu sắc bên ngoài tươi ngon bắt mắt và bên trong có vị ngọt tự nhiên.
Với sự tài trợ của Quỹ UPS (tổ chức trách nhiệm xã hội và từ thiện toàn cầu) thuộc dự án "Nâng cao quyền phụ nữ thông qua cải thiện kinh tế tại thị xã Sa Pa, Lào Cai" do Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Sa Pa phối hợp thực hiện, tổ hợp tác đã được đầu tư trang thiết bị đào tạo kỹ thuật sản xuất rau củ sấy. Quy trình sản xuất được khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Vân, thành viên tổ hợp tác cho biết, 4 tháng đầu năm, nhà hàng, khách sạn, quán ăn không bán hàng, các khu du lịch tạm ngừng khai thác nên các đơn hàng đi các tỉnh lớn đều phải ngưng trệ.
Đến thời điểm hiện tại, dù xã hội đã dần trở lại trạng thái bình thường mới song tín hiệu tiêu thụ không còn mấy khả quan, có thể do thói quen tiêu dùng được thiết lập từ trước đã bị phá bỏ, hơn nữa lượng du khách đến Sa Pa giảm sâu trong 6 tháng đầu năm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lượng tiêu thụ sản phẩm.
Thúc đẩy mở rộng kinh doanh hậu COVID-19
Khảo sát của các chuyên gia quốc gia về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ở 39 cơ sở, đơn vị kinh doanh do phụ nữ làm chủ tại huyện Văn Bàn, Bát Xát và thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho thấy các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở kinh doanh du lịch và nông nghiệp chiếm đến hơn 90%. Trong số đó, 29/39 cơ sở kinh doanh được hỏi có nhu cầu về kết nối thị trường, 27/39 cơ sở có nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật, 26/39 cơ sở có nhu cầu vay vốn...
Để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, mới đây Lào Cai đã khởi động Dự án “Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh”.
Đây là dự án thành phần của Dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La" (GREAT) được Chính phủ Ausrtralia tài trợ và quản lý bởi công ty Cowater Sogema.
Dự án “Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng kinhh doanh” triển khai từ tháng 6/2020 đến 9/2021 tại 3 địa phương: Thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn và huyện Bát Xát với mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc lãnh đạo tăng tốc kinh doanh trong chuỗi giá trị nông nghiệp và du lịch.
Bên cạnh đó, dự án tăng cường hệ sinh thái hỗ trợ phát triển kinh doanh và cải thiện môi trường chính sách liên quan tại tỉnh Lào Cai. Thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, bền vững, dự án hỗ trợ ít nhất 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý được tăng thu nhập; trong đó, có 21 doanh nghiệp mở rộng kinh doanh; tăng thu nhập cho ít nhất 135 hộ hưởng lợi; mạng lưới cố vấn địa phương (với ít nhất 15 cố vấn) vận hành hiệu quả...
Lợi ích đặc biệt khi các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia dự án không chỉ ở việc được hỗ trợ kết nối nguồn vốn để tăng cường đầu tư kinh doanh mà còn được nhận sự hỗ trợ đồng hành trực tiếp trong 6 tháng ở mọi phương diện từ cố vấn địa phương theo mô hình hướng dẫn 1 - 1 hay còn gọi là một kèm một.
Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất hoặc hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ, dự án được khởi động vào thời điểm này chính là động lực cải thiện tình trạng kinh doanh sản xuất, là đòn bẩy hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, điều đáng nói, cùng với sự trợ giúp của các tổ chức, cơ quan chức năng, sau thời gian “sốc phản vệ” vì dịch COVID-19, các đơn vị, cơ sở kinh doanh ở Lào Cai không trông chờ ỷ lại mà chủ động tìm ra phương thức tối ưu để duy trì hoạt động nếu không muốn chìm sâu vào khủng hoảng hay phá sản.
Chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ, Sa Pa cho biết, hợp tác xã đang chuẩn bị cho ra mắt thêm các sản phẩm thảo dược mới từ các bài thuốc quý của người Dao đỏ như: dầu gội đầu, thực phẩm chức năng... nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng và mở rộng đối tượng khách hàng cũng như thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, chị Mẩy cho biết để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất khi gặp tình trạng tương tự dịch bệnh vừa qua, Hợp tác xã đang có phương án gia nhập thị trường thương mại điện tử để mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm...