Mô hình thí điểm
Cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km về phía Đông Nam, Ecopark là một khu đô thị thí điểm ứng dụng công nghệ vào vận hành, quản lý và phát triển đô thị.
Ngay từ năm 2015, Ecopark đã triển khai hệ thống xe buýt Ecobus, ứng dụng Ecoone, với hơn 50 xe, thực hiện 330 chuyến xe/ngày cho 10 tuyến, phục vụ 150.000 lượt khách hàng/tháng. Ứng dụng Ecoone ra mắt, giúp hành khách có thể theo dõi vị trí, lịch trình, để lựa chọn cung đường, tuyến buýt phù hợp, chính xác.
Trong năm 2020, Ecopark tiếp tục triển khai thử nghiệm hệ thống giao thông thông minh nội khu, với 500 xe đạp điện chia sẻ, hơn 50 điểm đỗ, bố trí theo lối quy hoạch TOD (Transit Oriented Design - lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư, từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán), nhằm mang lại tiện ích di chuyển cho cư dân và khách tham quan trong nội khu Ecopark rộng hơn 500 ha.
Theo thống kê của Tập đoàn Ecopark, giải pháp xe điện chia sẻ di chuyển nội khu mỗi tháng có thể thực hiện trên 8.000 lượt xe, hơn 15.000 km quãng đường di chuyển, giúp giảm gần 1 tấn khí thải C02 ra môi trường, tương đương với trồng mới 33.000 cây xanh; đồng thời, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, khuyến khích và nâng cao ý thức sử dụng phương tiện công cộng, giảm gánh nặng lên hạ tầng, góp phần xây Cây xanh trong khu đô thị Ecopark. dựng lối sống văn minh, trong cộng đồng cư dân nơi đây.
Xu thế tất yếu
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái nhận định: Phát triển đô thị thông minh có thể nâng cao hiệu quả của các khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, giải quyết được các vấn đề nóng của phát triển đô thị hiện nay như giao thông, ngập lụt, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng phục hồi của đô thị.
Bộ Xây dựng dự báo, từ năm 2021-2025, Việt Nam sẽ chứng kiến giai đoạn không chỉ chính quyền các cấp ở địa phương, mà cả các doanh nghiệp Việt sẽ chung tay thay đổi cảnh quan đô thị bằng việc ứng dụng công nghệ để cải thiện môi trường sống cho người dân. Nhất là ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ... chính quyền đang nỗ lực xây dựng đô thị thông minh, lấy phát triển hệ thông giao thông thông minh, hệ thống điện nước thông minh, hệ thống dịch vụ tiện ích thông minh... làm nền tảng.
Nhìn vào bức tranh đô thị Việt Nam hiện nay, nhiều nơi hạ tầng đã xong nhưng không có người ở, hiệu quả sử dụng đất sụt giảm, nhiều khu đô thị bỏ hoang... Khi quy hoạch bị phá vỡ, sức ép hạ tầng gây ra các hệ quả như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm môi trường, ngập lụt... thì các đô thị đều trở nên không đáng sống. Rõ ràng, việc kiến tạo được đô thị mới đã là bài toán khó, thì việc kiến tạo đô thị thông minh đáng sống càng khó hơn. Đây là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia chứ không riêng Việt Nam. Vì vậy, cần phải thu hút cư dân trong một đô thị không chỉ để ngủ, mà để tương tác, làm việc, học tập và sinh hoạt thông minh.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ số đang làm thay đổi bức tranh kinh tế toàn cầu, công nghệ đang làm cho nhân loại trở nên kết nối và gắn kết hơn, tạo nhiều cơ hội phát triển, song cũng tạo ra không ít thách thức. Trong bối cảnh đó, chỉ khi thị trường bất động sản được vận hành theo quy luật xanh-thông minh và đáng sống hơn, giảm thiểu được các tác hại của biến đổi khí hậu, lấy con người làm trung tâm thì khi đó, mới đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người dân và cộng đồng, giữa bảo tồn và phát triển để tạo ra những không gian sống nhân văn, hạnh phúc.
Thực hiện Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 950), đến nay, cả nước đã có 38/63 tỉnh, thành phố đã triển khai đề án 950, tập trung quy hoạch đô thị thông minh, quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh, xây dựng cơ sở nền tảng và tiềm lực để phát triển đô thị thông minh bền vững.