Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN 2020 đang diễn ra tại Hà Nội, hội thảo chuyên đề về quy hoạch và quản lý đô thị thông minh; phát triển hạ tầng số và công nghệ số làm nền tảng đô thị thông minh được nhiều cơ quan quản lý, chuyên gia thảo luận, góp ý để hình thành khung pháp lý phát triển đô thị thông minh trong thời gian tới.
Việt Nam hiện có 33 tỉnh, thành phố xây dựng đề án và triển khai các dự án đô thị thông minh với định hướng trong trong các lĩnh vực quy hoạch, quản trị, hạ tầng giao thông, năng lượng, các vấn đề môi trường và phát triển bền vững... Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn vì chưa có tiêu chí, quy chuẩn cụ thể cho mô hình đô thị thông minh và mỗi nơi đang làm một kiểu.
Do đó, để có thể phát triển chuỗi các đô thị thông minh theo Nghị quyết 52 NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, vấn đề quan trọng hiện nay là sớm xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện cho đô thị thông minh.
Cơ sở dữ liệu dùng chung và liên kết giữa các ngành để tạo một hệ thống tài nguyên quan trọng cho các đô thị. Ứng dụng công nghệ là chiếc chìa khoá vàng để tận dụng tối đa nguồn dữ liệu này.
Ông Alfonso Vegara, người sáng lập Fundacion Metropoli cho rằng: Cơ sở hạ tầng của thành phố thông minh cần phải được kết nối số. Việt Nam thu hút khá nhiều đầu tư nước ngoài và đây là thời gian để thúc đẩy hàm lượng sáng tạo của Việt Nam để phát triển các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh.
Đồng quan điểm này, ông Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT ACUD Group cho rằng, để xây dựng thành phố thông minh cần có cơ sở dữ liệu dùng chung, liên thông giữa các ngành. Đặc biệt là cơ sở dữ liệu dùng chung ngay từ ban đầu trong quá trình lập quy hoạch. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia của cộng đồng ở tất cả các giai đoạn phát triển.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Quy hoạch Hà Nội đến 2030 sẽ có 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và 3 đô thị sinh thái. Để phát triển đô thị thông minh, Hà Nội đề ra các giải pháp như: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quy hoạch và quản lý đô thị; Phát triển hạ tầng đô thị thông minh với việc ưu tiên phát triển chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh, cấp thoát nước thông minh, thu gom xử lý rác thải thông minh, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử…
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT cho rằng: "Đô thị thông minh bắt đầu chính từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, cũng như từng địa phương. CNTT phải triển khai song hành với triển khai quy hoạch đô thị ngay từ đầu. Dữ liệu đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong phát triển đô thị thông minh. Đến năm 2050, mỗi người dân có khoảng 10 thiết bị kết nối. Trong đô thị số lượng các thiết bị kết nối này còn nhiều hơn. Như vậy, 1 hệ thống CNTT, xử lý tích hợp dữ liệu cho 1 cộng đồng hơn 12 triệu người dân như ở TP Hồ Chí Minh thì hệ thống CNTT tốt hơn. Nếu Việt Nam có hệ thống tập hợp dữ liệu của Chính phủ, của doanh nghiệp, của của người dân sẽ mang lại giá trị lớn. Do đó, Việt Nam cần có chính sách để chia sẻ dữ liệu này".
Theo các diễn giả, Việt Nam đã có sẵn nền tảng công nghệ được đánh vào hàng đầu, do vậy, việc xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số đô thị và thành phố thông minh dựa trên 4 khía cạnh chính: hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách, và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.