Tại Bến xe Nước Ngầm, dưới cái nắng "quái chiều hôm" bỏng rát, một phụ xe người miền Trung chạy tuyến Hà Nội - Vinh đứng đón khách ngay trước mũi xe cố nở nụ cười than vãn: "Chờ mãi mà không có khách, mỗi xe xuất bến may ra chỉ có vài khách". Trên sân bến cả dàn xe xếp kín bến, vắng khách nên hầu như cả lái, phụ xe lẫn hành khách ở đây không mấy ai đeo khẩu trang.
Đã nhiều năm nay, "vắng khách lắm, không có khách" trở thành câu nói cửa miệng của đơn vị quản lý Bến xe Nước Ngầm và các nhà xe hoạt động tại đây. Trong khi đó, cách đó không xa Bến xe Giáp Bát là bến xe truyền thống lâu năm cũng luôn trong tình trạng vắng khách. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có cần thiết khi để hai bến xe quá gần nhau vừa lãng phí năng lực vận chuyển vừa làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía Nam thành phố.
Là bến xe có lượng khách đến bến khá hơn các bến khác nhưng kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay Bến xe Mỹ Đình cũng khá vắng vẻ. Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và kỳ lễ 2/9 chỉ được nghỉ 1 ngày nên lượng khách đến bến giảm 50 - 60% so với kỳ nghỉ lễ 2/9 năm ngoái và chỉ gần bằng ngày thường khi chưa có dịch COVID-19. Bến xe đảm bảo số lượng và chất lượng phương tiện để phục vụ hành khách; đồng thời yêu cầu nhà xe và hành khách chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng chống dịch COVID-19 như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, nước khử khuẩn.
Tại Bến xe Giáp Bát lượng hành khách đông hơn Bến xe Nước Ngầm nhưng cũng không hơn ngày thường. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết, sau khi Hà Nội công bố hết dịch COVID-19, lượng khách đến bến xe có tăng lên, nhưng từ đợt dịch thứ 2 thì lượng khách giảm 50 - 60% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, Bến xe Giáp Bát có 110 đơn vị vận tải đăng ký hoạt động tại bến với số lượt xe đăng ký 900 lượt/ngày.
Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết, đã đề xuất Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp 150 phù hiệu xe tăng cường để dự phòng cho các bến: Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay; trong đó, Bến xe Giáp Bát tăng cường 70 xe, Mỹ Đình 50 xe và Gia Lâm 30 xe. Nhưng đến chiều 1/9 do lượng hành khách đi lại không tăng nên các bến xe vẫn chưa phải dùng đến xe tăng cường.
Cùng với tăng cường xe sẵn sàng phục vụ hành khách, Công ty cổ phần bến xe Hà Nội yêu cầu các bến xe phối hợp với lực lượng Công an tăng cường kiểm tra và ngăn chặn việc vận chuyển chất nổ, chất cháy, hàng cấm, hàng giả; tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và có kịch bản xử lý đối với các trường hợp bất thường; phối hợp với lực lượng Thanh tra Giao thông - Vận tải xử lý các hiện tượng xe vòng vo đón khách trước cửa bến.
Không chỉ các bến xe, đối với vận tải đường sắt lượng hành khách cũng giảm đến 70% so với cùng kỳ năm 2019 mặc dù ngành đường sắt đã áp dụng nhiều giải pháp, từ nâng cao chất lượng, đẩy mạnh mua bán vé tàu qua ứng dụng điện tử, hoàn trả vé tàu online… Do đó, kế hoạch chạy tàu dịp lễ 2/9 năm nay của đơn vị không có gì thay đổi so với ngày thường.
Nhằm đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, trong dịp nghỉ lễ 2/9 năm nay, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải áp dụng bán vé qua internet, bán vé điện tử, niêm yết giá vé theo tuyến...
Cùng với đó, thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm về hành chính, kinh tế đối với các trường hợp lái xe không tuân thủ, vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện, trật tự - an toàn giao thông; chỉ đạo các đơn vị quản lý bến xe tăng cường phối hợp với các đơn vị vận tải hành khách công cộng trong việc quản lý phương tiện, xe phải đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi xuất bến; giải tỏa các bến hoạt động trái phép.