Điều chuyển tuyến xe khách để hạn chế ùn tắc, không vì lợi ích nhóm

Từ 0 giờ ngày 2/1, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội chính thức thực hiện sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô tại các bến xe theo quy hoạch của Bộ GTVT.

Theo đó, tại Bến xe Giáp Bát, phương tiện đang chạy tuyến Hà Nội đi Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái sẽ chuyển về bến xe Yên Nghĩa. 

Tại Bến xe Gia Lâm, điều chuyển tuyến, phương tiện đang hoạt động đi Sơn La về bến xe Yên Nghĩa. 

Sở GTVT Hà Nội tăng cường xe buýt vận chuyển hành khách từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm, nếu các nhà xe từ chối chuyển luồng tuyến. Ảnh Tiến Hiếu

Tại Bến xe Nước Ngầm, điều chuyển tuyến, phương tiện đang hoạt động đi các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái từ Bến xe Nước Ngầm về Bến xe Mỹ Đình. Các tuyến từ Bến xe Ngước Ngầm đi các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Nông, Kon Tum về Bến xe Yên Nghĩa. 

Đối với các tuyến tại Bến xe Mỹ Đình, phương tiện đang hoạt động đi các tỉnh Nam Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm. Tuyến đi tỉnh Hà Nam từ Mỹ Đình về Bến xe Giáp Bát. Các tuyến từ Mỹ Đình đi Thanh Hóa theo đường Hồ Chí Minh về Bến xe Yên Nghĩa. Từ Mỹ Đình đi các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên đi từ bến Mỹ Đình nay chuyển sang Bến xe Gia Lâm. 

Qua tìm hiểu, các nhà xe Hà Sơn Hải, Hoàng Phương, Minh Thảo… đang chạy tuyến Bến xe Mỹ Đình đi Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An đều phản ánh, doanh nghiệp đang chạy theo lộ trình đường Hồ Chí Minh - Đại lộ Thăng Long - Mỹ Đình và ngược lại, không đi xuyên tâm, nên không thể là tác nhân gây ùn tắc. Nếu chuyển về Bến xe Nước Ngầm, thì các nhà xe mới đi xuyên tâm. Bên cạnh đó, chi phí phát sinh tại Bến xe Nước Ngầm cao hơn Bến xe Mỹ Đình, sẽ khiến các nhà xe đi đến chỗ phá sản.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, việc điều chuyển luồng tuyến là để phục vụ mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an ninh trật tự cho Thủ đô. Căn cứ để điều chuyển dựa trên quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng 2030 của Bộ GTVT. 

“Sở GTVT Hà Nội thành lập tổ công tác rà soát 4.700 tuyến vận tải hành khách đi đến 5 bến xe chính của Hà Nội. Với hơn 1.600 doanh nghiệp tham gia trên tuyến, có thể một số doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng, nhưng phải vì mục tiêu chung. Từ việc rà soát, Sở đã công khai, minh bạch các tiêu chí điều chuyển, không có bất cứ lợi ích nhóm hay ưu ái cho doanh nghiệp nào”, ông Viện cho hay.

Thực tế, dịp cuối năm lưu lượng giao thông thường tăng cao, gây nguy cơ ùn tắc lớn. Nếu muốn giảm lưu lượng phải thực hiện điều chuyển. Đây là việc khó khăn nhưng cần thiết, thành phố đã chủ động thông báo đến Sở GTVT các tỉnh, hiệp hội vận tải và doanh nghiệp chủ trương này. 

Ông Vũ Văn Viện cho biết thêm, những ngày qua, một số doanh nghiệp, nhà xe không thực hiện đúng biểu đồ, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, gây áp lực lên các bến xe và chính quyền sở tại Hà Nội làg thiếu trách nhiệm. Các doanh nghiệp càng phối hợp tốt, càng sớm ổn định, càng có lợi. Sở GTVT sẵn sàng cùng các doanh nghiệp bàn phương án tốt nhất, nhanh nhất giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động và giúp người dân đi lại thuận tiện dịp trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu. 

Nhiều người dân chưa biết lịch thay đổi luồng tuyến tại các bến xe, đang gây sự xáo trộn nhất định, đặc biệt vì thiếu thông tin, nên hành khách còn lúng túng trong chọn tuyến xe đi phù hợp. Vì vậy, Sở GTVT Hà Nội đăng tải công khai thông tin để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân được biết. 

Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 2/1, Sở điều chỉnh 691 tuyến xe, với 20.396 chuyến/tháng (trung bình 680 chuyến/ngày), tập trung chủ yếu vào 3 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm. Các tuyến xe đi Đăk Lăk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng sẽ chuyển về Bến xe Nước Ngầm.


Tiến Hiếu
Nhiều ý kiến xung quanh chủ trương điều chuyển xe khách tuyến Nghệ An - Hà Nội
Nhiều ý kiến xung quanh chủ trương điều chuyển xe khách tuyến Nghệ An - Hà Nội

Nghệ An là địa phương có số lượng xe khách chạy tuyến Nghệ An - Hà Nội và ngược lại lớn nhất các tỉnh Bắc miền Trung, với tần suất mỗi ngày trên 80 chuyến. Thành phố Hà Nội đang xây dựng kế hoạch điều chuyển xe khách liên tỉnh nhằm giảm ùn tắc giao thông. Chủ trương này của Thành phố Hà Nội đang khiến các doanh nghiệp vận tải khách ở Nghệ An lo lắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN