Tham dự có đại diện thành viên Tổ soạn thảo là đại diện của các bộ, địa phương, đơn vị quản lý vận hành hồ và các cơ quan liên quan.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Sau gần 9 năm vận hành theo quy trình, việc phối hợp vận hành của các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã góp phần quan trọng trong việc giảm lũ cho hạ du; đồng thời đảm bảo giảm nguồn nước cấp cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương ở khu vực hạ lưu các hồ chứa. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần điều chỉnh như: Quy định vận hành bổ sung các tình huống bất thường trong mùa lũ và mùa cạn; các mực nước quy định trong mùa lũ; lưu lượng và thời gian xả nước của các hồ trong mùa cạn…
“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, khắc phục những khó khăn, tồn tại của Quy trình đã ban hành; tính toán bổ sung các phương án phối hợp vận hành các hồ và bổ sung, điều chỉnh một số nội dung quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ chứa, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho phát điện, sản xuất, sinh hoạt của người dân, cũng như đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở khu vực hạ lưu các hồ chứa” Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy, về cơ bản, kết cấu Dự thảo Quy trình được giữ nguyên như Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn tại Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 07/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Quy trình gồm 4 chương, 40 điều, trong đó bổ sung thêm 7 điều mới và cập nhập, bổ sung, biên tập lại một số nội dung quy định tại các điều còn lại để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Dự thảo Quy trình.
Tại cuộc họp, đại diện thành viên Tổ soạn thảo đã tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Các ý kiến thảo luận, góp ý tập trung vào các quy định của quy trình vận hành các hồ chứa trong mùa cạn, mùa lũ; về thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành hồ, trách nhiệm tổ chức vận hành, cung cấp thông tin, báo cáo; các tình huống bất thường và việc xử lý các tình huống bất thường; mực nước báo động; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan và chủ hồ trong mùa lũ, mùa cạn.
Cụ thể, các thành viên Tổ soạn thảo nhấn mạnh đến việc bổ sung các nội dung quy định về việc vận hành các hồ trong mùa lũ (về mực nước cao nhất trước lũ của các hồ sẽ được điều chỉnh theo hướng không quy định cố định một giá trị chung cho cả thời kỳ mùa lũ, mà sẽ quy định với các giá trị khác nhau theo các thời kỳ mùa lũ…); bổ sung thêm trạm thủy văn kiểm soát lũ hạ du; quy định vận hành các hồ chứa khác trong mùa lũ (điều chỉnh theo hướng quy định các hồ phải tham gia cùng với các hồ chứa bậc trên, bậc dưới phối hợp vận hành để giảm lũ cho hạ du phù hợp với năng lực thực tế của hồ, tình hình mưa lũ và không gây lũ chồng lũ).
Ngoài ra, các thành viên Tổ soạn thảo cho rằng cần điều chỉnh quy định vận hành các đập dâng An Trạch, Hà Thanh, Thanh Quýt và Bàu Nít để phù hợp với đặc điểm công trình và tình hình thực tế; bổ sung biên tập, làm rõ quy định về các chế độ vận hành hồ, điều kiện thực hiện các chế độ vận hành, trách nhiệm, thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong mùa lũ.