Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kế hoạch sản xuất muối niên vụ 2021-2022 đạt 580,51 ha; giảm 117,49 ha so với niên vụ muối 2019-2020.
Tuy nhiên, trên thực tế sản xuất thì niên vụ muối 2021-2022 diện tích cũng đã giảm đi nhiều. Đơn cử như Hợp tác xã Chợ Bến, xã An Ngãi, huyện Long Điền, niên vụ 2020-2021 có trên 300 ha sản xuất thì nay chỉ còn khoảng 275 ha và thời gian tới diện tích sẽ còn giảm nữa do chuyển đổi một số diện tích sang nuôi tôm công nghệ cao.
Gia đình ông Huỳnh Văn Thuyết, ngụ xã An Ngãi, huyện Long Điền có 3 đời làm nghề muối. Hiện ông đang có 3 ha đất ruộng muối; trong đó có 5 sào muối trải bạt. Ông Thuyết cho biết, hiện nay, mỗi lứa muối trải bạt gia đình thu được 45 tấn muối với giá bán 1.000 đồng/tấn (bằng giá bán muối niên vụ 2020-2021). Do không phải thuê mướn ruộng làm muối nên sau khi trừ chi phí, ông còn lãi 20 triệu đồng.
Nhưng nếu gia đình nào thuê ruộng làm muối thì may mắn lắm chỉ còn lãi khoảng 10 triệu đồng/lứa. Trong khi đó, hiện nay việc kiếm nhân công cào muối gặp rất nhiều khó khăn, do không có người. Giá thuê nhân công cào muối cũng đang ở mức cao 220 nghìn đồng/2 tiếng đồng hồ - ông Thuyết chia sẻ thêm. Trước những khó khăn trên, ông Thuyết cũng đã có ý định cho thuê ruộng muối của gia đình để Hợp tác xã Chợ Bến cải tạo thành ao nuôi tôm công nghệ cao.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến diện tích sản xuất muối đang ngày càng bị thu hẹp, do thu nhập người làm muối bấp bênh do giá muối không cao, năng suất muối không ổn định do phụ thuộc vào thời tiết.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay diện tích muối tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang dần bị thu hẹp, do các dự án hoặc địa phương đang trong quá trình công nghiệp hóa, chỉnh trang đô thị. Ngoài nguyên nhân kể trên thì thị trường tiêu thụ muối chưa đa dạng, phụ thuộc nhiều vào thương lái, ngành khai thác thủy sản và chế biến nước mắm; thu nhập từ nghề làm muối còn thấp, đời sống còn khó khăn dẫn đến vốn đầu tư cho tái sản xuất ít, đa số diêm dân đều phải vay mượn thương lái và bán với giá muối thấp hơn giá thị trường nên dù giá muối cao nhưng diêm dân vẫn thua thiệt...
Các hộ làm muối và cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến muối chưa có tính liên kết, ký kết hợp đồng nên việc bao tiêu sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Đây sẽ là một thách thức lớn trong thời gian tới nếu không có giải pháp khắc phục, bên cạnh đó chi phí đầu vào như cải tạo đồng ruộng, thuê mướn nhân công đều tăng gây khó khăn cho diêm dân.
Trước những khó khăn đó, bà Nguyễn Lê Yến Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm muối; khuyến khích tăng liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ muối với diêm dân; đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách để diêm dân tiếp cận được với các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi trong phát triển nghề muối.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích tiếp cận công nghệ chế biến, sản phẩm muối được chế biến chuyên sâu có giá trị gia tăng của các địa phương trong cả nước để đưa diêm dân đi thăm quan, học tập mô hình, công nghệ.
Ngoài ra, sản phẩm “muối Bà Rịa” thường xuyên được quảng bá, trưng bày tại các hội chợ triển lãm của ngành nông nghiệp; đồng thời, hình thành các điểm thu mua muối tập trung trên địa bàn tỉnh để kiểm soát chất lượng, sản lượng; tạo điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp, thương lái mua muối Bà Rịa cũng như quảng bá giới thiệu muối Bà Rịa; tiếp cận với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực diêm nghiệp giới thiệu cho địa phương sản xuất muối trên địa bàn tỉnh, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực diêm nghiệp.
Tổng sản lượng muối niên vụ 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 31.470 tấn chỉ đạt 54,73% so với kế hoạch đề ra, giảm 30.608 tấn so với niên vụ muối 2019-2020.