Trước những biến động như thị trường giao dịch chậm; thương lái, doanh nghiệp ngưng mua bởi giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nên cả người bán lẫn người mua đều trong thế khó. Trong khi người mua không chấp nhận mức giá bán cao của doanh nghiệp, còn người bán nếu chào thấp sẽ thua lỗ bởi phải thu mua gạo trong nước với giá cao. Ngoài ra, nhiều hợp đồng đã ký trước với giá thấp khiến một số doanh nghiệp phải hủy hợp đồng, chấp nhận mất uy tín. Số khác chấp nhập chịu lỗ bằng cách mua hàng giá cao để giao cho khách nhưng lại không dám ký thêm hợp đồng mới.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về xu hướng giá gạo từ nay đến cuối năm cũng như lưu ý doanh nghiệp trước diễn biến thị trường nhiều biến động như hiện nay.
Ông có thể đánh giá kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam trong vòng 8 tháng trở lại đây và đâu là thị trường được ghi nhận tăng trưởng tích cực?
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 8 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% trong tổng lượng xuất khẩu gạo; tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ,...), châu Phi (Ghana, Angola,...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Theo nhận định của ông, xu hướng giá gạo sẽ diễn biến như thế nào từ nay đến cuối năm?
Bước sang quý III năm 2023, tình hình thương mại gạo thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp (các yếu tố địa chính trị, hiện tượng El Nino, lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước,...) nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, nhiều thời điểm vượt qua giá gạo Thái Lan cùng chủng loại, thiết lập mức đỉnh trong 11 năm qua.
Tính đến ngày 18 tháng 9 năm 2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 615 USD/tấn, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 5 USD/tấn. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine của Việt Nam ghi nhận ở mức 710 USD/tấn.
Giá gạo hiện nay đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát (như Philippines áp giá trần gạo nội địa, mặc dù chính sách này sau đó đã được dỡ bỏ), tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo (ngô, lúa mỳ).
Tuy nhiên nhìn chung, giá gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn (Philipines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi) trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế.
Ngoài ra, mức độ biến động của giá gạo xuất khẩu sẽ còn phụ thuộc vào các biến số như thời tiết (ảnh hưởng đến mùa vụ), chính trị (phản ứng chính sách) của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan,… trong thời gian tới.
Trước diễn biến giá gạo nhiều biến động như hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?
Các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Cùng đó là Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo; Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay; Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo).
Tuy nhiên, để làm được điều này doanh nghiệp cần phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong và ngoài nước (cơ quan đại diện ngoại giao và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài) để tham khảo thông tin và tranh thủ sự hỗ trợ khi cần thiết; đồng thời, thường xuyên trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất các biện pháp xử lý.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải tuyệt đối tôn trọng những hợp đồng đã ký (để giữ uy tín với các đối tác). Bên cạnh đó, tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường; chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng lưu ý doanh nghiệp nên chủ động phối hợp với các địa phương để xác lập cơ chế liên kết, hợp tác, bảo trợ… với cơ sở, người sản xuất để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng phù hợp nhu cầu thị trường và quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần chú trọng xác lập, duy trì, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép cấp, ép giá./.
Trân trọng cảm ơn ông!