Giá gạo trong siêu thị vẫn bình ổn

Nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại nhiều hệ thống siêu thị tại Hà Nội vẫn ổn định, thậm chí, có các siêu thị đưa ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng cao.

Duy trì giá bình ổn
Trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng cao thì tại thị trường trong nước, các siêu thị vẫn duy trì giá bán bình ổn.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, hiện nay, các siêu thị GO!, Big C vẫn kinh doanh mặt hàng gạo bình thường, không có đột biến về lượng mua.

“Chúng tôi có kiểm tra với bộ phận thu mua, và nhận thấy chưa có nhà cung cấp nào gửi thông báo tăng giá cho Central Retail; Các doanh nghiệp cung ứng mặt hàng gạo đều khẳng định sẽ luôn ưu tiên cho thị trường trong nước”, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho hay.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Central Retail tham gia bình ổn thị trường (trong đó có gam hàng về gạo), đảm bảo đầy đủ nguồn cung và giá mặt hàng gạo bình ổn như đã đăng ký với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Tại siêu thị Winmart Gamuda, giá gạo vẫn được bình ổn, thậm chí có các chương trình giảm giá.
Chú thích ảnh
Gạo ST25 bán tại siêu thị.
Chú thích ảnh
Nhiều loại gạo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Tương tự, đại diện WinCommerce cho biết, trước tình hình các nước đang hạn chế xuất khẩu gạo và giá gạo trên thị trường cũng đang có dấu hiệu tăng, giá bán mặt hàng này tại hệ thống WinMart/WinMart+ vẫn đang ổn định, hiện không thay đổi. 

Đặc biệt, WinCommerce cũng sở hữu hàng nhãn riêng về gạo là gạo Ngọc Nương, do đó doanh nghiệp hoàn toàn chủ động về việc cung ứng sản lượng gạo cũng như giữ giá bán ổn định, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. 

“Trong thời gian tới, WinCommere sẽ theo dõi sát sao thị trường, đồng thời cố gắng giữ ổn định nguồn hàng cũng như giá bán, thúc đẩy thu mua và sản xuất để đảm bảo sản lượng phục vụ”, đại diện WinCommerce cho hay.

Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 2/9, WinCommerce triển khai chương trình “Ưu đãi lớn, mừng đại lễ” áp dụng từ ngày 24/8 - 6/9/2023, tập trung ưu đãi cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, trái cây nhập khẩu trực tiếp, thức uống, hóa mỹ phẩm,...với mức khuyến mãi lên tới 50% cùng nhiều deal hot giá sốc kèm tặng quà nhằm kích cầu mua sắm.

Còn đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, đơn vị này đã chốt các chương trình khuyến mãi với nhà cung cấp ngay trước thời điểm có thông tin gạo Ấn Độ cấm xuất khẩu, thời hạn kéo dài đến cuối tháng 1/2024 nên chưa điều chỉnh giá bán. Nhà cung cấp cũng cam kết lượng hàng. 

“Thời gian tới giá bán có thể biến động nhưng do đã có sự chuẩn bị nguồn hàng từ trước nên chúng tôi sẽ bình ổn được giá thị trường" đại diện Co.opmart  thông tin.

Chú thích ảnh
Tại siêu thị Mega market Hoàng Mai, giá gạo vẫn được bình ổn.
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Nhiều loại gạo từ nội địa cho đến gạo nhập khẩu được bày bán.

Tăng cường giám sát và các biện pháp quản lý
Khảo sát của phóng viên Báo Tin tức cho thấy, giá gạo bán lẻ tại các hệ thống siêu thị như Winmart, GO!, Big C, Mega market trên địa bàn TP Hà Nội vẫn ở mức ổn định. Nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại các hệ thống siêu thị này vẫn bình ổn do hầu hết đơn vị có nguồn dự trữ tốt và đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, giá gạo tiêu dùng trên địa bàn vẫn ổn định, giá gạo của các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 vẫn giữ nguyên. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng gạo chủ động thu mua, dự trữ, bảo đảm nguồn hàng; cung ứng đủ, vượt số lượng gạo đã đăng ký trong mọi tình huống; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký bình ổn.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, Sở đề nghị tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường và chấp hành đầy đủ quy định về trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, bán đúng giá quy định.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa, trong đó có giá mặt hàng gạo tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích trên địa bàn; nhắc nhở, chấn chỉnh, hỗ trợ hoạt động của mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố. 

Ngành Công Thương Hà Nội xác định, nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm nguồn cung hàng thiết yếu, trong đó có mặt hàng gạo ra thị trường đầy đủ, ổn định. Dự kiến nhu cầu tiêu dùng gạo của thành phố khoảng 97.650 tấn/tháng tương đương với 1,17 triệu tấn/năm. Lượng gạo hiện tại đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô những tháng cuối năm 2023, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nếu có sốt giá cục bộ, ngành Công Thương sẽ tổ chức bán hàng lưu động với giá ổn định cho người dân.

Thu Trang/Báo Tin tức
Tháng 8, giá xăng dầu, giá gạo tăng khiến CPI tăng 0,88%
Tháng 8, giá xăng dầu, giá gạo tăng khiến CPI tăng 0,88%

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước là do nguyên nhân giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN