Nhân Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10:

Điểm tựa vững chắc cho nông dân

Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực giúp các hội viên có cuộc sống ổn định hơn, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, giúp người nông dân an tâm sản xuất, thực sự là điểm tựa vững chắc cho bà con.

Tìm kiếm hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ cho nông dân

Chú thích ảnh
Thu hoạch bắp lấy thân tại huyện Châu Đức, đây là mô hình đã được Hội Nông dân huyện tìm kiếm hợp đồng và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, nhà nước và doanh nghiệp. 

Hội Nông dân huyện Châu Đức là một ví dụ điển hình. Hội đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao thu nhập bền vững cho hội viên, hỗ trợ nông dân thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của bà con. Với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, các hội viên đã liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, nhờ đó đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đem lại cho nông dân thu nhập khá và ổn định.
 
Từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm đối với các loại cây trồng như nha đam, măng tây, bắp lấy thân, đu đủ, chuối và ca cao..., từng bước giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình.

Năm 2018, cây nha đam lần đầu tiên được đưa về trồng tại huyện Châu Đức. Đây là cây trồng có vốn đầu tư ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Sau hơn 3 năm bén rễ trên vùng đất Châu Đức, cây nha đam đã đem lại hiệu quả kinh tế khá ổn định cho bà con.

Bà Hoàng Thị Huê, ngụ ấp Vĩnh An, xã Bình Gia, huyện Châu Đức là một trong nhưng hộ trồng nha đam đầu tiên của địa phương cho biết, loại cây này dễ trồng, phù hợp với đất đỏ pha sỏi đá và khí hậu khô nóng, sản lượng trung bình đạt 10 tấn/năm/sào. Với 6.000 m2 nha đam đang trồng, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu nhập khoảng 180 triệu/năm. Sản phẩm đang được các công ty ở TP Hồ Chí Minh thu mua, thông qua sự giới thiệu, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Châu Đức.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây nha đam, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã khuyến khích hội viên mở rộng thêm diện tích trồng. Từ 6.000 m2 ban đầu, hiện diện tích trồng nha đam toàn huyện là 10 ha, với 26 hộ chủ yếu ở địa bàn xã Bình Ba, Suối Nghệ, Kim Long, Sơn Bình, Suối Rao…

Châu Đức là địa phương có diện tích trồng bắp lớn nhất của tỉnh với khoảng 6.000 ha. Nhiều năm qua, thu nhập từ trồng bắp lấy hạt của nông dân thường bấp bênh do ảnh hưởng thời tiết khiến năng suất và sản lượng các vụ bắp không ổn định. Mô hình trồng bắp lấy thân làm thức ăn gia súc, xuất khẩu đi Hàn Quốc do Hội Nông dân huyện Châu Đức ký kết với các công ty xuất khẩu, đang mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân trên địa bàn.

Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2025, Công ty Trách nhiệm hữu hạn LTD Trí Nguyễn cam kết thu mua mỗi năm khoảng 3.000 tấn với giá thu mua trong vụ đầu tiên là 650 đồng/kg, vụ thứ 2 là 950 đồng/kg, vụ thứ 3 là 1.200 đồng/kg. Thực hiện cam kết này, từ tháng 5/2020, Hội Nông dân huyện Châu Đức đã vận động nông dân trồng bắp giống 7328 trên diện tích khoảng 40 ha ban đầu, đến nay đã lên hơn 100 ha tại các xã Bình Giã, Bình Trung và Sơn Bình.

Gia đình ông Nguyễn Đình Hoan, ở thôn 5, xã Bình Trung, huyện Châu Đức có hơn 20 năm làm nghề trồng bắp để bán trái. Với 6 sào đất, ông trồng được 1 vụ bắp/năm, thu hoạch khoảng 6 tấn trái, sau khi trừ các chi phí còn lãi khoảng 18 triệu đồng. Bắt đầu từ tháng 5/2020, được Hội Nông dân huyện khuyến khích trồng giống bắp để lấy thân, cũng cùng diện tích cũ, chi phí như nhau, sau 3 tháng trồng, vụ bắp trồng lấy thân đầu tiên ông thu hoạch đạt sản lượng 50 tấn. Với giá công ty thu mua khoảng 650 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, ông lãi khoảng 26 triệu đồng.

Từ hiệu quả thu được, đầu năm 2021 ông Hoan tiếp tục trồng giống bắp này. Hiện nay, mỗi năm, gia đình ông trồng được hai vụ bắp lấy thân. Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng đầu ra của sản phẩm khá ổn định do doanh nghiệp thu mua tại Đồng Nai đã xây dựng được nhà máy chế biến để xuất sản phẩm đi Hàn Quốc.

Ông Hoan chia sẻ, trước đây, gia đình tôi trồng giống bắp để bán trái, năng suất mỗi vụ cũng cao nhưng luôn luôn phải lo lắng về thời tiết, đầu ra của sản phẩm. Hai năm nay, gia đình tôi chuyển sang giống bắp lấy thân, được bao tiêu sản phẩm lại không tốn chi phí thuê lao động thu hoạch bắp. Đến kỳ thu hoạch, công ty đến tận ruộng của người dân dể thu hoạch nên rất yên tâm.
 
Nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, để nâng tầm giá trị nông sản… cũng là góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân Châu Đức và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển.

Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm

Chú thích ảnh
Nhờ sự hỗ trợ tiêu thụ của Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, gia đình ông An Đình Doan, ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã tiêu thụ được hơn 10 tấn nhãn xuồng cơm vàng. 

Tại huyện Xuyên Mộc, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào đầu tháng 7/2021, hàng loạt nông sản của địa phương bắt đầu gặp khó về đầu ra. Việc 4 lần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, nhất là lúc bùng phát dịch lại đúng vào thời điểm nhiều loại nông sản tại huyện Xuyên Mộc đến kỳ thu hoạch. Nguy cơ hàng nghìn tấn nông sản có nguy cơ bị tiêu hủy, đổ bỏ do không tiêu thụ được.

Nhằm giúp nông dân tìm đầu ra, Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc đã kết nối và vận động các đơn vị hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con qua các trang mạng Facebook, Zalo… Đặc biệt là trái nhãn, loại nông sản được nông dân trên địa bàn huyện trồng nhiều nhất, thời điểm thu hoạch lại rơi đúng vào thời điểm dịch COVID-19 tại địa phương diễn biến phức tạp.

Từ tháng 7 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc, 3.000 tấn nhãn đã được tiêu thụ với giá từ 10 - 15 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, hơn 400 tấn nông sản khác đã được Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc thông qua các mạng xã hội hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, kết nối trực tiếp giữa người mua và người dân trên địa bàn huyện. Cách làm của Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc đã giúp nông dân vừa có thể duy trì sản xuất, vừa đảm bảo đời sống giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, phát huy nội lực của tổ chức Hội và hội viên, các cấp Hội đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, các cấp Hội vận động hội viên, nông dân giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất bằng cách giúp vốn, giống, vật tư và kinh nghiệm sản xuất, ký kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.

Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội. Các cấp Hội đã kịp thời hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tiêu thụ nông sản; vận động tiền, lương thực, thực phẩm ủng hộ cho các khu vực phong tỏa…

Bài và ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Hội Nông dân TP Hải Phòng hỗ trợ tiêu thụ nông sản Sơn La
Hội Nông dân TP Hải Phòng hỗ trợ tiêu thụ nông sản Sơn La

Ngày 3/6, Hội Nông dân TP Hải Phòng tiếp tục có chuyến hàng thứ hai vận chuyển các nông sản (xoài, mận...) của nông dân tỉnh Sơn La về địa phương để tiêu thụ. Đây đều là sản phẩm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, trồng theo hướng VietGAP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN