Hội Nông dân xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Ngày 29/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 7, khóa VII.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

 Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng chủ trì Hội nghị.

Theo chương trình, Hội nghị tiến hành nhiều nội dung, công việc quan trọng: Triển khai các quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ; kiện toàn chức danh lãnh đạo chủ chốt Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung quan trọng: Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đánh giá công tác Hội và phong trào nông dân 5 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021…

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Trong 5 tháng qua, cán bộ Hội, hội viên nông dân, chủ trang trại, giám đốc Hợp tác xã đã dần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ sang sản xuất lớn, từ tư duy sản xuất nông hộ sang sản xuất kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị với sự liên kết “6 nhà” một cách chặt chẽ với hình thức tổ chức chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, vượt lên khó khăn bởi thiên tai và dịch bệnh, các cấp Hội đã thực hiện tốt vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào thi đua yêu nước của giai cấp nông dân. Đặc biệt, người nông dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Hội Nông dân, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tuy nhiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cán bộ Hội và hội viên nông dân Việt Nam thấy rõ các thách thức cần phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương được Đại hội đề ra, từ đó đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động để vượt qua. Đó là: Việt Nam đang chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và thiên tai; đã và đang hình thành một bộ phận nông dân trí thức hay công nhân nông nghiệp có trình độ, kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị nhưng mới được bước đầu, phần đông vẫn phổ biến là kinh tế hộ, thiếu liên kết nên khó cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại mới có khoảng 8% doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nên không thể đủ lực chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và kết nối cung cầu. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn đã và đang gặp không ít khó khăn về tiếp cận nguồn, ngân hàng và các thủ tục liên quan đến đất đai. Phần lớn nông dân thiếu kỹ năng sản xuất hàng hóa, thiếu kỹ năng nghề, thiếu vốn và các công cụ sản xuất hiện đại. Xã hội nông thôn đang biến đổi sâu sắc, đòi hỏi phải từng bước vươn lên, gắn kết chặt chẽ, hài hòa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại như Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, tình hình nổi bật nhất trong 5 tháng đầu năm 2021 trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19, toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn thực hiện tốt sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Thường vụ Trung ương Hội. Cán bộ, hội viên, nông dân đã thực hiện tốt "mục tiêu kép": Vừa chống dịch COVID-19, vừa khắc phục khó khăn để duy trì lao động sản xuất, phát triển kinh tế; tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp Hội phát động.

Công tác xây dựng tổ chức Hội được chú trọng, củng cố; chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt của các chi, tổ Hội được nâng lên theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với sản xuất theo mô hình chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp, tổ vay vốn, các loại hình Câu lạc bộ theo nghề nghiệp, theo sở thích trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh những mặt tích cực, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn có những bất cập, hạn chế. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, nhất là bà con trong những vùng có dịch COVID-19, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản đang gặp rất nhiều khó khăn, giá bán giảm mạnh. Trong khi đó, giá cả nguyên liệu đầu vào không ổn định, nhiều loại nguyên liệu đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... tăng, làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. 

Từ tình hình thực tế nêu trên, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng đề nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, cụ thể hóa, tham mưu và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp để xây dựng, củng cố, nâng cao mối quan hệ liên minh công nhân- nông dân- trí thức trong liên doanh sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Đỗ Bình (TTXVN)
90 năm Hội Nông dân Việt Nam: Tiếp bước truyền thống ‘Nông hội đỏ’
90 năm Hội Nông dân Việt Nam: Tiếp bước truyền thống ‘Nông hội đỏ’

Nông hội đỏ - tổ chức của những người nông dân Việt Nam đã trải qua 90 năm thành lập và phát triển. Những người con của đồng ruộng đã góp công, góp sức to lớn vào trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước và cũng là trụ cột trong công cuộc phát triển của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN