Chi hội trưởng có vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa công tác Hội và phong trào nông dân; không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân và gia đình, mà còn sẵn sàng giúp đỡ người xung quanh, được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao...
Vững mạnh từ cơ sở
Việc xây dựng tổ chức cơ sở Hội Nông dân vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên xuốt của Hội Nông dân các cấp trên toàn quốc. Thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp được xây dựng, giúp người nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, bước đầu hình thành cho hội viên nông dân tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị, qua đó đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã tổ chức các hoạt động cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Xuân Hồng cho biết, mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới thông qua việc các hội viên liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; tạo nền tảng tiền đề phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Trong 3 năm (2016 – 2019), 404 hợp tác xã, 2.212 tổ hợp tác được thành lập trên nền tảng từ các tổ hội nghề nghiệp, chi hội nghề nghiệp của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.
Mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp từng bước khắc phục được phần lớn những nhược điểm, hạn chế, khó khăn, yếu kém trong sinh hoạt chi hội, tổ hội trong nhiều năm qua đó là: Sinh hoạt thất thường, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, có nơi còn hình thức, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp.
Các buổi sinh hoạt của chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã thu hút sự quan tâm, chú ý của hội viên hơn, từ chỗ sinh hoạt 3 tháng 1 kỳ trước kia còn khó khăn, thì đối với chi hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp việc sinh hoạt chi, tổ hội đã trở thành thường xuyên hơn, có nơi một tháng sinh hoạt 2-3 kỳ và nhiều hơn khi cần thiết. Từ chỗ cần thiết phải có phụ cấp cho Chi hội trưởng, thì vấn đề này không phải đặt ra đối với chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp.
Nội dung sinh hoạt của chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp phong phú, thiết thực hơn như: Trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, thị trường, giá cả, thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây, con; phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phòng trừ dịch, bệnh, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay xây dựng mô hình kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, giúp hội viên có công ăn việc làm, thu nhập ổn định xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững...
Tôn vinh những cá nhân tâm huyết
Ông Trần Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội nông dân trồng chanh ấp An Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Đức, tỉnh Đồng Tháp, là một trong số 90 Chi hội trưởng xuất sắc được tuyên dương cho biết, nhiều năm nay, ông làm việc vì tâm huyết chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày được vinh danh
Theo ông Phong, với vai trò là Chi hội trưởng, ông đã định hướng 11 tổ hội chuyển đổi thành Tổ Hội nghề nghiệp; đề nghị thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng chanh ấp An Hòa với mục đích giúp bà con làm nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, cải thiện thu nhập.
Thông qua mô hình chi hội nghề nghiệp, ngoài nội dung sinh hoạt về Hội, Chi hội trồng chanh ấp An Hòa còn tập trung trao đổi về kinh nghiệm sản xuất cũng như về liên kết sản xuất đầu vào và đầu ra. Đến nay, Chi hội đã có 272 hội viên tham gia sản xuất với diện tích 87 ha.
Chi hội nghề nghiệp trồng chanh ngoài góp phần giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập còn tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hội viên. Từ năm 2016 đến nay, Chi hội đã giúp 10 hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống...
Bằng sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh Trần Lê Bá, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân Khóm 6, Phường 6 (Thành phố Sóc Trăng) phấn đấu thực hiện tốt các phong trào ở địa phương, tạo điều kiện giúp đỡ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Những năm qua, anh Bá đã vận động, tập hợp hội viên tham gia thực hiện tốt các phong trào của Hội; tập trung nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết của Hội, sự chỉ đạo của Hội cấp trên và những vấn đề có liên quan trực tiếp đến công tác Hội, nông dân để kịp thời tuyên truyền đến hội viên, nông dân. Trong các buổi sinh hoạt chi hội, anh không những thực hiện tốt vai trò đầu tàu trong tuyên truyền, vận động, mà còn tạo ra bầu không khí vui tươi, phấn khởi để hội viên gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất lẫn tinh thần.
Để phong trào Hội ngày càng phát triển, anh Bá tích cực vận động hội viên tham gia các hoạt động của Hội, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh đề xuất cấp trên tạo điều kiện cho hội viên được tập huấn, học tập kinh nghiệm, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2019, Chi hội được quan tâm giải ngân 85 triệu đồng thực hiện 6 mô hình cho 6 hộ nông dân; xây dựng, thành lập mô hình tổ hội nghề nghiệp với 20 thành viên; duy trì thực hiện có hiệu quả mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết, việc tuyên dương 90 Chi hội trưởng nông dân xuất sắc nhất năm 2020 là một trong những hình thức khen thưởng cần thiết, nhất là nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam. Đây cũng là dịp để lan tỏa, nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả của các Chi hội xuất sắc, từ đó góp phần xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam thành một tổ chức vững mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc tôn vinh các Chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sinh động thực hiện tốt lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, góp phần thiết thực thúc đẩy các hoạt động, phong trào thi đua của Hội Nông dân của Việt Nam. 90 Chi hội trưởng tiêu biểu xuất sắc cùng với tập thể, cá nhân được tuyên dương, khen thưởng thực sự là những bông hoa đẹp, tô thắm thêm truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam.
Để phong trào nông dân, nông thôn ngày càng phát huy hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các cấp Hội cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; nhân rộng mô hình tập hợp công dân của các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả từ phong trào thi đua cơ sở nhằm hình thành mẫu người nông dân thế hệ mới...