90 năm Hội Nông dân Việt Nam: Tiếp bước truyền thống ‘Nông hội đỏ’

Nông hội đỏ - tổ chức của những người nông dân Việt Nam đã trải qua 90 năm thành lập và phát triển. Những người con của đồng ruộng đã góp công, góp sức to lớn vào trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước và cũng là trụ cột trong công cuộc phát triển của đất nước.

Phong trào nông dân, sinh ra từ đồng ruộng

Đầu thế kỷ XIX, nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội Việt Nam, nhưng cũng là tầng lớp bị áp bức bóc lột và cùng khổ nhất trong xã hội. Tiểu nông chiếm trên 90% tổng số chủ ruộng, nhưng chỉ có gần 40% diện tích trồng trọt. Trong khi tầng lớp địa chủ chỉ chiếm 9% tổng số chủ ruộng nhưng sở hữu trên 50% diện tích đất canh tác. Ngoài ra còn khoảng 2,2 triệu hộ trong tổng số 4 triệu hộ nông thôn hoàn toàn không có đất. Họ bị bóc lột dã man bởi tô, tức, thuế… đời sống vô cùng nghèo nàn khốn khổ.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia tát nước chống hạn cùng nông dân xã Đại Thanh, Hà Đông (nay là Hà Nội), ngày 12/1/1958. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngay từ rất sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận rõ tầm quan trọng của nông dân và việc phải có một “tổ chức dân cày” lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Người vạch rõ vấn đề này trong cuốn Đường Kách mệnh (1927): Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng, thì phải tổ chức nhau kiếm đường giải phóng; và giai cấp nông dân cần phải có tổ chức riêng của mình là Hội dân cày.

Từ cuối năm 1929, phong trào nông dân kết hợp với các lực lượng khác phát triển mạnh ở thành phố Vinh - Bến Thủy và một số vùng ở Nghệ An. Nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ở Thái Bình, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh Trung Kỳ, Nam Kỳ… tạo tiền đề cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Các tổ chức nông hội phát triển nhanh chóng. Từ tháng 5 - 10/1930, cả nước có 53.000 hội viên nông hội.

Trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), đồng chí Nguyễn Ái Quốc sớm đặt vấn đề nông dân Việt Nam muốn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột thì phải “tổ chức nhau lại”, tức là phải gia nhập Hội Nông dân.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Hương Cảng ra Nghị quyết thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh về của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Dưới sự tập hợp của các tổ chức nông hội, phong trào nông dân ngày càng phát triển mạnh mẽ và có tổ chức. Trong năm 1937, có hơn 150 cuộc đấu tranh của nông dân chống cướp ruộng đất, đòi chia ruộng công, giảm tô, tức, khất thuế... Từ tháng 1 - 11/1938, có 125 cuộc đấu tranh của nông dân với gần 55.500 người tham gia.

Từ năm 1941, Nông hội được gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội, là một bộ phận của Việt Nam độc lập đồng minh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nông dân các dân tộc Cao Bằng đã tổ chức những đoàn thể cứu quốc đầu tiên rồi lan ra cả nước. Nông dân từ miền ngược đến miền xuôi nô nức tham gia vào các đoàn thể của Mặt trận và chiếm đại đa số trong hầu hết các tổ chức cứu quốc ở nông thôn, tạo nên một lực lượng chính trị rộng lớn, áp đảo kẻ thù. Các tổ chức nông dân cùng với công nhân đã trở thành ''xương sống'' của Mặt trận, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của quần chúng.

Phong trào đấu tranh các tổ chức cứu quốc của nông dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp sức vào làn sóng khởi nghĩa trong cả nước, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai. Thành công vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong điều kiện chiến tranh ngày càng lan rộng với mức độ gay go ác liệt hơn, nhiệm vụ kháng chiến càng đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thành lập Ban Nông vận Trung ương, kiện toàn tổ chức ở cấp Trung ương.

Phong trào nông dân từ sau Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất có bước phát triển mới, toàn diện và rất mạnh mẽ tháng 12/1949. Ở miền Bắc với tinh thần ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nông dân đã hăng hái tham gia "Phong trào thi đua ái quốc sản xuất lập công đề cao chiến sĩ'' do Đảng và Chính phủ phát động. Các cấp Hội nông dân đã tập trung vận động thực hiện các phong trào, như: xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc…

Hội Nông dân trong các vùng địch tạm chiếm đã tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như bám ruộng đất, làng xóm để sản xuất; lên án hành động bắn phá, đốt hoa màu của địch; tranh thủ sản xuất, thu hoạch và cất dấu lương thực, thực phẩm ở vùng địch hậu trong cả nước để đảm bảo được nhu cầu của nhân dân mà còn đóng góp cho Nhà nước, phục vụ sự nghiệp kháng chiến.

Phong trào cách mạng của giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp phần quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch. Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ và thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam. Hoà bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của phong trào nông dân nổi dậy và cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh ở miền Nam và tiến tới "Tổng tấn công" mùa Xuân năm 1975 giành trọn vẹn thắng lợi, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà.

Lực lượng nòng cốt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Nông hội đã phát triển đều khắp, đã tích cực vận động nông dân thi hành chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn, góp phần đẩy mạnh phong trào thủy lợi, phát triển sản xuất, làm nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường đoàn kết trong nông dân, xây dựng chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn.

Chú thích ảnh
Bằng sức mạnh đại đoàn kết, nhân dân miền Bắc vừa kiên cường chiến đấu, đánh bại hoàn toàn hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ trong những năm 1965 - 1968 và 1972 - 1973, vừa đẩy mạnh sản xuất, ra sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ảnh: TTXVN

Quán triệt tinh thần đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ngày 1/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 - QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

Tại phiên họp ngày 17/1/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14/10/1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã qua 7 kỳ Đại hội. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 được tổ chức trọng thể từ ngày 11/12 đến ngày 13/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và nhân dân cả nước, đồng thời cũng là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân, của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam với tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội VII, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Đổi mới tư duy, cùng nhà nông vững bước trên chặng đường đổi mới

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động nói chung, nông dân nói riêng. Quá trình hội nhập sâu rộng với độ mở cao của nền kinh tế sẽ khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà.

Chú thích ảnh
Mô hình sản xuất muối hạt cho hiệu quả kinh tế cao ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN

Các diễn biến phức tạp về thiên tai, dịch bệnh cũng sẽ tạo nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn tới nền nông nghiệp và đời sống nông dân. Do đó, phong trào nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam phải không ngừng đổi mới, nỗ lực phấn đấu vươn lên, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của giai cấp nông dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

Hội Nông dân Việt Nam luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước.

Đồng thời tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ, tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân; tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp mỗi cán bộ, hội viên, bà con nông dân nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò chủ thể của giai cấp nông dân, về Đảng, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, tương thân, tương ái, khát vọng làm giàu chính đáng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.

Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Hội các cấp; tiếp tục phát động các phong trao thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong nông dân.

Đến hết tháng 5/2020, cả nước có 5.177 xã, chiếm 58,2% tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong xã hội giảm còn 38,1% năm 2018 và thu nhập bình quân từ hoạt động phi nông nghiệp chiếm 78% tổng thu nhập của hộ nông thôn năm 2019.

Bên cạnh đó, hằng năm, có hơn 3,6 triệu hộ hội viên nông dân đăng ký, trong đó hơn 3,5 triệu hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hiện, có hơn 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp và dự kiến sẽ tăng lên 50 nghìn doanh nghiệp trong 5 năm tới; hơn 15 nghìn hợp tác xã và bốn nghìn trang trại cùng tám triệu hộ nông dân đang xây dựng vùng sản xuất tập trung.
L. Sơn/Báo Tin tức
Nhân 90 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10: Sức mạnh từ cơ sở Hội
Nhân 90 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10: Sức mạnh từ cơ sở Hội

Chi hội Nông dân là tế bào cơ sở của Hội và Chi hội trưởng là hạt nhân chính trị xây dựng Chi hội. Chi hội Nông dân là nơi trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội và thực hiện các phong trào thi đua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN