Điểm nghẽn môi trường trong xây dựng nông thôn mới - Bài cuối

Các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới nên thực hiện theo hướng xã hội hóa. Tức là đầu tiên phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện đầu tư những hạng mục lớn nhưng cũng phải có đóng góp xã hội hóa của người dân đối với những hạng mục nhỏ.

GỠ KHÓ ĐỂ ĐẠT TIÊU CHÍ “SẠCH”

Để thực hiện được tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, điều cần thiết là phải có sự tham gia của người dân. Chính quyền các địa phương cũng phải có chính sách chú trọng ưu tiên giải quyết các vấn đề phát sinh của môi trường nông thôn. 

Huy động sự tham gia của người dân và doanh nghiệp

Xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã được công nhận xã nông thôn mới với 19/19 tiêu chí từ năm 2013. Mặc dù việc thu gom và xử lý rác thải đã được đảm bảo nhưng vấn đề thu gom xử lý nước thải làng nghề, cụm công nghiệp vẫn là bài toán khó. Song để đạt đủ 19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí môi trường thì là cả một sự nỗ lực không ngừng nghỉ.

Ở nhiều địa phương, vấn đề thu gom, xử lý nước thải, rác thải đang là thách thức lớn.

Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo xã đã họp bàn với người dân, phân tích tình hình thực tế của địa phương để cùng nhân dân xem xét cái gì chưa được, cái gì cần ưu tiên trước. “Vấn đề về kinh phí đầu tư cũng được đưa ra xem xét, cái gì là Nhà nước đầu tư, cái gì người dân sẽ phải làm để người dân hiểu được việc mình phải làm và tham gia đóng góp ra sao. Khi người dân hiểu và đồng thuận thì mọi việc trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn”, ông Thông chia sẻ.

Theo đó, vấn đề thu gom rác thải tại xã được thực hiện theo hướng xã hội hóa với sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. HTX Nông nghiệp đứng ra làm nhiệm vụ thu gom rác thải hàng ngày và nhân dân đóng góp 15.000 đồng/tháng/hộ gia đình. Còn trong ngõ xóm, người dân tự thu dọn và cuối tuần đội tự quản của đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân sẽ tham gia dọn dẹp đường làng, xóm. Hàng ngày toàn bộ rác sẽ được thu gom ra điểm tập kết và vận chuyển về nhà máy xử lý rác.

“Để đạt được chỉ tiêu về môi trường cần có nguồn đầu tư lớn, có nhiều nguồn hỗ trợ chương trình này. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chính quyền các địa phương phải quyết tâm hoàn thành, lãnh đạo các địa phương phải thực sự vào cuộc thì mới thành công, xã vướng không làm được thì huyện, tỉnh phải vào cuộc để giúp người dân xây dựng thành công”

Ông Hồ Xuân Hùng, Nguyên Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban cố vấn của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

Một trong những khâu khó khăn nhất là xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt cũng được “xử lý” nhanh chóng khi người dân tham gia cùng chính quyền. Theo đó, các hộ dân sẽ tự đầu tư xây dựng hệ thống ống cống, tiêu thoát nước thải từ gia đình ra hệ thống chung của xóm, ngõ. Còn xã sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước của các xóm, làng về hệ thống đầu mối chung của xã bằng ngân sách. Chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương mình, ông Thông nhấn mạnh, để xây dựng nông thôn mới nói chung và thực hiện tiêu chí môi trường nói riêng bền vững thì phải có sự tham gia của người dân.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) khẳng định: “Nông thôn mới sẽ thất bại hoàn toàn nếu như chỉ có chính quyền đứng ra làm. Phải có sự tham gia mạnh mẽ và sự ủng hộ của người dân thì mới có thể thành công”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới nên thực hiện theo hướng xã hội hóa. Tức là đầu tiên phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện đầu tư những hạng mục lớn nhưng cũng phải có đóng góp xã hội hóa của người dân đối với những hạng mục nhỏ. Cùng với đó, cũng cần hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn, những chất hữu cơ có thể tận dụng làm phân bón, chất vô cơ phân loại và xử lý, điều này sẽ giúp giảm gánh nặng kinh phí trong vận chuyển cũng như xử lý.

Bên cạnh đó, để gỡ khó về tiêu chí môi trường cho các địa phương, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp. “Cần tiếp tục xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư về lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong xử lí rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi và làng nghề. Cả nước có hơn 10.000 xã và hơn 60% dân số ở nông thôn. Nếu có cơ chế chính sách hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp thì không chỉ tháo gỡ khó khăn về xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng bức xúc tại địa bàn nông thôn”, ông Hoàng Dương Tùng đề xuất.

Phải phù hợp với vùng miền

Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới 5 năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, giữa các vùng, miền có sự chênh lệch lớn. Số xã đạt chuẩn ở vùng Đông Nam Bộ đạt 46,4%, cao nhất cả nước, tiếp theo là vùng đồng bằng sông Hồng với 42,8%; đồng bằng sông Cửu Long (16,7%), Tây Nguyên (13,2%) và miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%.

Theo đánh giá, ở nhiều địa phương, nhất là những vùng miền núi khó khăn thì việc thực hiện xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tiêu chí môi trường - được đánh giá là khó thực hiện nhất. Tại nhiều địa phương, do tập quán, thói quen của người dân nông thôn, đồng bào miền núi, việc vứt rác bừa bãi, phơi phân gia súc, chăn nuôi ô nhiễm, không có hạ tầng thu gom nước thải... vẫn còn phổ biến. Nên có những địa phương khi được công nhận đạt thì không lâu sau lại không đạt ở tiêu chí này.

Ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, với những tiêu chí về môi trường, đặc biệt như nghĩa trang phải được xây dựng theo quy hoạch; chất thải nước thải phải được thu gom theo đúng quy định... thì các tỉnh miền núi rất khó để thực hiện. Với đặc thù từng vùng miền, có những vùng người dân sẽ ở rải rác, cheo leo trên núi thì nước thải, rác thải không thể nào thu gom hay xử lý tập trung được.

“Về vấn đề này Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp bàn nhiều lần. Không thể đồng nhất tiêu chuẩn giữa các vùng miền được, mà phải có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Ở những vùng miền khó thu gom rác thải tập trung thì có thể hướng dẫn người dân có công trình vệ sinh, xử lý chất thải, nước thải ở vị trí phù hợp, không gây ô nhiễm”, ông Tùng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Thu Trang
Điểm nghẽn môi trường trong xây dựng nông thôn mới - Bài 1
Điểm nghẽn môi trường trong xây dựng nông thôn mới - Bài 1

Sau nhiều năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương vẫn chưa đạt đủ các tiêu chí để được xét công nhận đạt chuẩn, trong đó, tiêu chí thứ 17 về môi trường là khó thực hiện nhất trong số 19 tiêu chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN