Tuy khởi đầu vụ mùa không mấy thuận lợi nhưng giá muối tăng mạnh trong những ngày qua nên diêm dân rất phấn khởi, hy vọng có một vụ mùa đạt lợi nhuận cao.
Ông Nguyễn Hoàng Thưa, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Diêm nghiệp ấp Doanh Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) cho hay, sau những ngày nắng vừa qua, nay bà con hợp tác xã đã cho thu hoạch những hạt muối đầu vụ.
Tuy vụ muối năm nay trễ hơn mọi năm hơn 2 tháng nhưng bù lại bán được giá cao, tính ra năng suất giảm nhưng cho lại nhuận cao hơn mọi năm.
Diêm dân huyện Đông Hải (Bạc Liêu) thu hoạch muối. |
Theo ông Thưa, nếu so với cuối vụ muối năm ngoái, giá muối đen dao động từ 400-500 đồng/kg thì nay đang tăng dần, hiện là hơn 1.000 đồng/kg, cón muối trắng hơn 1.500 đồng/kg. Theo bà con, tính bình quân giá muối hiện tại tăng từ 2,5- 3 lần so với cuối năm 2016.
Giá tăng mạnh, đã khích lệ diêm dân tỉnh này gắn bó nghề muối. Điều thấy rõ nhất, đến ruộng muối trong những ngày này, không khí lao động, sản xuất tất bật, hối hả.
Ông Võ Hoàng Nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Diêm nghiệp ấp Doanh Điền cho biết, tuy vụ này trễ hàng tháng nhưng với giá muối hiện nay, gần 100 xã viên đang phấn đấu sản xuất đạt 100% diện tích của hợp tác xã là gần 70 ha.
Theo bà con xã viên, hiện thời tiết trên địa bàn khá thuận lợi, nếu nắng tốt như những ngày qua thì diện tích muối của hợp tác xã sẽ cho thu hoạch đồng loạt vào cuối tháng 3 này.
Theo ngành chức năng, mặc dù giá muối hiện có tăng mạnh so với trước đây, nhưng chủ trương của địa phương là tiếp tục khống chế diện tích sản xuất, đồng thời khuyến khích diêm dân chuyển một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, ổn định.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Đông Hải là địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh cho biết, theo quy hoạch, địa phương sẽ tiếp tục chuyển một phần diện tích làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nuôi Artemia (loại con nuôi lấy trứng làm thức ăn cho tôm, cá bé).
Đặc biệt, mô hình nuôi Artemia đã phát triển tại địa phương này vài năm nay và đã thể hiện được ưu điểm về hiệu quả kinh tế so với làm muối nhưng tình hình chuyển đổi hiện nay khá chậm, do người dân thông thạo kỹ thuật, cơ sở hạ tầng chưa dược đầu tư hoàn thiện, chuyển giao khoa học kỹ thuật còn hạn chế.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, đến năm 2020 địa phương sẽ chuyển đổi khoảng 500 ha làm muối sang nuôi Artemia. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích bà con chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen truyền thống sang sản xuất muối trắng trải bạt trên nền sân kết tinh; đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất muối…
Bạc Liêu là tỉnh có diện tích sản xuất lớn nhất, nhì cả nước với hơn 2.300 ha. Hàng năm vụ muối bắt đầu từ tháng 10 âm lịch kéo đến tháng 5 năm sau.
Niên vụ muối 2015 - 2016, địa phương cho sản lượng hơn 165.000 tấn, là một trong những vụ muối đạt sản lượng cao, nhưng do giá xuống thấp trong một thời gian dài, hiện lượng muối còn tồn đọng trong dân hơn 65.000 tấn.