Trên đồng muối xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình những ngày này dù đang bước vào vụ sản xuất, nhưng bầu không khí khá ảm đạm. Giá muối hiện đang ở mức thấp, trong khi đó, giá nhiên liệu, chi phí thuê nhân công lao động cùng các chi phí khác đều tăng làm cho bà con diêm dân không khỏi lo lắng.
Thông thường vụ sản xuất muối bắt đầu khoảng tháng 12, nhưng năm nay do mùa mưa kết thúc trễ nên việc sản xuất của bà con diêm dân cũng bắt đầu chậm hơn gần một tháng. Đã vậy, thời tiết từ đầu vụ đến nay, trời âm u, ít nắng nên không đủ độ nóng để muối kết tinh, nhiệt độ buổi chiều tối và sáng lạnh làm một lượng muối vừa mới kết tinh cũng bị tan ra. Nếu như trước, từ khi đưa nước vào sân phơi đến khi thu hoạch đối với muối đen sân đất là một tháng, muối trên sân trải bạt là nửa tháng, thì năm nay thời gian kéo dài hơn. Từ đầu vụ sản xuất đến nay, diêm dân chỉ mới thu hoạch được một đợt, không những vậy, sản lượng và năng suất cũng sụt giảm đáng kể.
Đó là còn chưa nói mấy ngày gần đây, gần đến thu hoạch đợt 2 thì xuất hiện một số cơn mưa trái mùa làm thiệt hại nhiều diện tích sản xuất muối. Ông Trương Văn Dũng, ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải nhìn những sân muối ngập đầy nước ngao ngán thở dài cho biết, nghề muối của diêm dân Bạc Liêu hiện tại vẫn là nghề vừa cực nhọc vừa bấp bênh, phụ thuộc vào nhiều thứ, trong đó thời tiết đóng vai trò quan trọng. Nắng to muối trúng mùa, cho sản lượng cao, ngược lại nắng ít muối không kết tinh sẽ thất mùa. Còn nếu gặp mưa trái mùa thì xem như công sức, tiền của bỏ ra cũng tan theo hạt muối.
Năm nay, với 6 sân phơi, ông Dũng chỉ mới thu hoạch được hơn 200 giạ muối (1 giạ khoảng 33 kg). Giá muối hiện tại chỉ 700 đồng/kg đối với muối đen sản xuất trên sân đất và 1.000 đồng/kg đối với muối trắng sản xuất trên sân trải bạt. Với giá như vậy, không đủ bù chi phí nhân công và nhiên liệu, trong khi gia đình đã đầu tư gần 200 triệu đồng tiền mua bạt trải cùng những thứ khác.
Năm nay, nghề làm muối còn chịu sự tác động tiêu cực của chi phí xăng dầu phục vụ bơm tác và giá nhân công lao động. Từ đầu vụ sản xuất đến nay, mấy lần xăng dần tăng giá làm tăng thêm gánh nặng đầu tư cho diêm dân. Ngoài ra chi phí thuê nhân công 6 triệu đồng/người/tháng, tùy theo quy mô sản xuất nhưng ít nhất cũng 5 người mới đảm bảo công việc.
Ông Võ Hoàng Nghiệp, Giám đốc Hợp tác dịch vụ Nuôi trồng thuỷ sản – Diêm nghiệp Doanh Điền, ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải tính toán, chi riêng chi phí đầu tư mua bạt trải, nếu như những năm trước lát nền 1.000 mét vuông khoảng 140 – 150 triệu đồng thì ở vụ sản xuất năm 2022 đã tăng lên gần 180 triệu đồng. Vậy nên không phải ai cũng đủ khả năng đầu tư mô hình sản xuất muối trải bạt. Chính vì thế trong số hơn 1.400 ha sản xuất muối của tỉnh Bạc Liêu, chỉ có chưa đến 100 ha muối trải bạt. Mà làm theo kiểu thủ công sân đất thì chỉ thu được muối đen, giá thấp khó cạnh tranh với thị trường.
Đông Hải là huyện có diện tích sản xuất muối lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu với diện tích gần 1.300 ha. Do ảnh hưởng của thời tiết nên đến thời điểm này, diêm dân trên địa bàn huyện chỉ mới thu hoạch được trên 50 tấn, trong khi lẽ ra phải thu hoạch vài chục ngàn tấn. Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải cũng khẳng định, với tình hình hiện nay, sản lượng thất, giá muối thấp do lượng muối tồn còn nhiều, giá xăng dầu cùng các chi phí khác tăng cao thì vụ muối năm nay của diêm dân cầm chắc thua lỗ.
Với đà thua lỗ như thế này, thì mỗi năm diện tích làm muối ngày càng giảm, diêm dân tỉnh Bạc Liêu cũng bỏ nghề để chuyển sang những công việc khác. Trăn trở với nghề làm muối, một diêm dân gắn bó hơn 30 năm với nghề, ông Lưu Thanh Hiền, ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình chia sẻ, đây là nghề truyền thống của ông cha để lại nên cố giữ, nhưng cũng không biết có giữ được nữa không. Nghề muối vất vả, nhưng với thu nhập như hiện nay diêm dân khó duy trì được. Cạnh sân muối của ông Hiền, nhiều bà con khác đã treo sân, lần lượt chuyển sang những mô hình sản xuất khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như nuôi tôm, cua, cá kèo, artemia…
Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Bạc Liêu vẫn loay hoay chưa giải được bài toán đối với nghề này.