Đề nghị thu hồi giấy phép khai thác mỏ đá vôi Chư Sê

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị kiến nghị cấp trên thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá vôi Chư Sê (thuộc khu B, xã H’bông, huyện Chư Sê) của Công ty cổ phần xi măng Gia Lai.

Việc đề nghị này căn cứ trên cơ sở các văn bản: Văn bản số 1349/STNMT-KS đề nghị thu hồi mỏ đá vôi Chư Sê (Khu B) xã H’bông, huyện Chư Sê của Công ty cổ phần xi măng Gia Lai; kế hoạch số 841/KH-UBND ngày 22/4/2019 của UBND tỉnh về khắc phục các nội dung Kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước báo cáo kiểm toán việc quản lý sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011 năm 2017 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Công văn số 45/KTNN-TH ngày 29/3/2019 của Kiểm toán Nhà nước trong đó Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá vôi huyện Chư Sê.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai thì Công ty Cổ phần xi măng Gia Lai (tiền thân là Công ty sản xuất và cung ứng xi măng Gia Lai) được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) cấp giấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá vôi Chư Sê (khu B, xã H'bông) với diện tích hơn 21 ha, thời hạn 30 năm (cho hoạt động đến tháng 12/2025). Mục đích sử dụng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đã phối hợp với UBND huyện Chư Sê, UBND xã H’bông, Công ty cổ phần xi măng Gia Lai đi kiểm tra thực tế vào ngày 6/5 về việc quản lý, sử dụng đất của công ty này tại xã H’bông cho thấy: Vào thời điểm tháng 12/2018, có 5 hộ dân lấn chiếm 5.000 m2 (tương đương 0,5 ha). Đến thời điểm đoàn Sở TN-MT kiểm tra, trong khu vực mỏ, dân địa phương đã phát dọn thực bì, cày xới để canh tác nhiều vị trí với diện tích trên 10 ha. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng công ty không báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Về việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, tính đến 3/2018, Công ty Cổ phần xi măng Gia Lai còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền chậm nộp là hơn 8,1 tỷ đồng, nợ tiền thuê đất và tiền chậm nộp tính đến tháng 3/2019 là hơn 761 triệu đồng.

Công ty đã dừng hoạt động khai thác mỏ đá vôi từ năm 2013 do chất lượng đá vôi không đảm bảo để sản xuất xi măng và phải thực hiện theo lộ trình dừng sản xuất xi măng lò đứng theo quyết định 1488/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công ty lập dự án chuyển đổi nhà máy xi măng thành Nhà máy phân bón Địa Long nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường không thống nhất cho chuyển mục đích sử dụng đá vôi do mỏ được cấp để khai thác phục vụ sản xuất xi măng.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho rằng, thẩm quyền thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ đá vôi Chư Sê thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Để có cơ sở thu hồi theo kết luận và kiến nghị của kiểm toán, sở đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép khoáng sản cấp cho Công ty Cổ phần xi măng Gia Lai tại mỏ đá vôi Chư Sê; yêu cầu công ty thực hiện đóng cửa mỏ.

Hồng Điệp (TTXVN)
Tỉnh Hà Tĩnh muốn dừng hẳn dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê  để bảo vệ môi trường
Tỉnh Hà Tĩnh muốn dừng hẳn dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để bảo vệ môi trường

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên - Cơ quan điều phối của Liên minh Khoáng sản phối hợp với Hội Địa hóa Việt Nam tổ chức hội thảo Đánh giá và cân nhắc những vấn đề đặt ra trước khi thực hiện hoạt động khai thác mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh, nhằm đưa ra góc nhìn trung thực, đa chiều từ cấp quản lý trung ương, địa phương và các tổ chức về tình hình thực tế và tính hiệu quả khai thác của mỏ sắt Thạch Khê.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN