Tuy nhiên, kênh bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ lớn nên nhà bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội để phát huy năng lực cạnh tranh. Vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần những cú huých trong tái cơ cấu lại quy trình bán hàng, đón đầu xu hướng, đáp ứng nhu cầu người mua. Cơ hội phát triển vẫn còn và phụ thuộc lớn vào khả năng nắm bắt cũng như sự nhanh nhạy của doanh nghiệp.
Đón lõng thời cơ
Mặc dù tăng trưởng thị trường bán lẻ ở Việt Nam trong những năm tới được đánh giá đầy triển vọng nhưng theo dự báo từ nay đến cuối năm 2022 sẽ là khoảng thời gian khó khăn cho các nhà bán lẻ bởi lạm phát tăng cao, giá cả leo thang, sức mua của người dân sụt giảm.
Bắt nhịp thị trường, mới đây Central Retail - Tập đoàn hàng đầu Thái Lan cho biết, sẽ đầu tư 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Việc này nhằm thúc đẩy kết quả kinh doanh đạt 65.000 tỷ đồng; tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15% và phát triển mở rộng trên 55/63 tỉnh thành trên cả nước.
Trước đó, AEON Việt Nam cũng hoạch định kế hoạch đạt 20 siêu thị vào năm 2022 và 100 siêu thị vào năm 2025. Cùng đó, mở thêm trung tâm mua sắm, bách hóa tổng hợp và siêu thị, cửa hàng chuyên doanh như Glam Beautique, AEON Bicycle tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh...
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng dự định mở từ 3-5 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại trong năm nay trên cơ sở cân nhắc kỹ thời điểm khai trương và hiệu quả đầu tư với mô hình bán lẻ nhỏ sẽ mở mới 80-100 điểm.
Theo đại diện Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ đang bắt đầu phục hồi sôi động trở lại với sự gia tăng của hệ thống bán lẻ văn minh hiện đại, nhất là chuỗi các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, siêu thị mini.
Chẳng hạn như hệ thống cửa hàng WinMart+ đến nay là 2.873 cửa hàng, tăng 254 cửa hàng so với năm 2021và kế hoạch từ nay đến cuối năm 2022 mở thêm 700 cửa hàng; Satrafoods thuộc SaTRa đang có 221 cửa hàng, tăng 33 cửa hàng so với năm 2021.
Ngoài ra, Tập đoàn Central Retails đã khai trương thêm 3 trung tâm thương mại mới tại Việt Nam năm 2021 và dự kiến phát triển hạ tầng thương mại hiện đại.
Cùng đó, tập đoàn này cũng tập trung phát triển hệ sinh thái về thực phẩm, phi thực phẩm, trung tâm mua sắm tiện ích hiện đại và phát triển dịch vụ cho người dân và khách hàng.
Sau khi mua lại Emart, Thaco dự kiến sẽ mở ít nhất 20 siêu thị Emart đến năm 2026. Hiện nay, Emart đang khẩn trương mở 2 siêu thị tại Thủ Thiêm và Phan Huy Ích ngay tháng 10 và tháng 12 tới đây.
Điều này được cho là phù hợp với xu thế chung khi người dân đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, minh bạch về giá cả và nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh thực phẩm và không gian an toàn dịch bệnh, tiện lợi văn minh khi mua sắm.
Đặc biệt, để cạnh tranh với các đối thủ ngoại, nhiều nhà bán lẻ Việt đang nỗ lực đầu tư công nghệ nhằm tạo ra trải nghiệm thú vị cho khách hàng.
Đơn cử như Tập đoàn Masan đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số. Hệ thống này giúp phân tích và lựa chọn danh mục sản phẩm ở mỗi điểm bán theo thị hiếu người tiêu dùng cho mạng lưới 30.000 cửa hàng.
Đáng lưu ý, bằng việc sử dụng camera kết hợp trí tuệ nhân tạo sẽ giúp đơn giản hóa quy trình bán hàng, giải phóng khỏi công việc nhằm giúp nhân viên có nhiều thời gian tập trung tư vấn, bán hàng chéo cũng như nâng cao sự hài lòng cho khách hàng.
Trở lại với câu chuyện của Bách Hóa Xanh, với chiến lược cạnh tranh với chợ truyền thống, đơn vị này hướng tới chọn điểm bán là vùng ven ngoại thành và các tỉnh, là những điểm mà chi phí mặt bằng dễ chịu hơn rất nhiều so với khu vực trung tâm.
Bởi vậy, khi thực hiện tái cơ cấu hệ thống chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh sẽ làm nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng quay lại. Đặc biệt, sự thay đổi của Bách Hóa Xanh thời gian tới sẽ ưu tiên chất lượng bởi đây sẽ là yếu tố quyết định hiệu quả kinh doanh.
Trước đó, đại diện công ty MWG đã chia sẻ, trong khoảng 2.100 cửa hàng tính đến giữa tháng 5 vừa qua, hơn 50% cửa hàng đạt đầy đủ tiêu chí cần thiết. Với gần 50% cửa hàng còn lại, công ty sẽ rà soát, nếu điểm bán nào cách quá xa các tiêu chuẩn cần thiết sẽ được tính toán xử lý.
Đáng lưu ý, hàng loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh đã được bài trí theo không gian mới. Theo dữ liệu vào tháng 4/2022 từ MWG, doanh thu của các cửa hàng với không gian mới của Bách Hóa Xanh cao hơn 10% so với cách bày trí cũ.
Cũng theo đại diện công ty MWG, 50% cửa hàng của Bách Hóa Xanh đã tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (EBIT) dương 6% – 7% với doanh thu ổn định hàng tháng là khoảng 1,2 tỷ đồng/cửa hàng; trong đó 95% cửa hàng này đã hoạt động ít nhất 12 tháng.
Trước đó, vào giữa tháng 4, HĐQT của MWG đã thông qua việc thành lập công ty con là Công ty cổ phần Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh với vốn điều lệ 10 tỷ đồng và đây sẽ là công ty mẹ của chuỗi Bách Hóa Xanh.
Lực đẩy cho doanh nghiệp
Nhìn nhận lại những thăng trầm của thị trường bán lẻ, các chuyên gia trong ngành khẳng định: Thời gian qua, thị trường đã định hình lại lối chơi của các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với thay đổi quan trọng.
Điều này thể hiện qua việc doanh nghiệp phải tinh gọn và tinh chỉnh mô hình tại các thành phố lớn, mở rộng thị trường ra vùng nông thôn bởi đây là khu vực vẫn còn khá mỏng và chưa được khai thác nhiều.
Hơn nữa, người tiêu dùng có xu hướng trải nghiệm mua sắm và yếu tố tiện lợi nên người tiêu dùng sẽ bỏ qua chỗ cũ nếu các siêu thị không có sự thay đổi.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận thương mại hàng hoá trong nước và số người kinh doanh buôn bán, dịch vụ dù tăng nhanh nhưng mang tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ, mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian.
Không những thế, hạ tầng thương mại dù phát triển nhưng ở một số khu vực vẫn còn yếu kém và lạc hậu. Hạ tầng thương mại bán lẻ như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho thương mại điện tử vẫn chưa đồng bộ và thiếu tính kết nối, thiếu dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử như hóa đơn và chứng từ điện tử, hạ tầng thanh toán, hạ tầng logistics.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2021 – 2030 bao gồm giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9 - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15 - 15,5% vào tổng ngân sách quốc nội (GDP) cả nước.
Đặc biệt, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Hơn nữa, việc thương mại điện tử phát triển nhanh với hành lang pháp lý hoàn thiện cộng thêm áp dụng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật hiện đại cùng với phương tiện sẽ hỗ trợ đầy đủ và bảo đảm tính an toàn, thuận tiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bởi vậy, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch hành động của ngành công thương thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành tại Quyết định số 111/QĐ-BCT.
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế.
Cùng đó, gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại.
Mặt khác, Bộ Công Thương chú trọng phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển thương mại trong nước; tăng cường quản lý nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường trong hoạt động thương mại.