Để du lịch Bình Định bứt phá

Để phát triển ngành Du lịch của tỉnh Bình Định thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh trong những năm đến. Vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tiến hành hội thảo “Xúc tiến đầu tư phát triển Du lịch Bình Định năm 2015”.

Đầu tư phát triển hạ tầng

Thực hiện mục tiêu đến năm 2020 du lịch Bình Định đón khoảng 3,3 triệu lượt khách và tổng doanh thu đạt 3.400 tỷ đồng, chiếm từ 10-12% GDP của tỉnh. Trong các giải pháp chính về phát triển hạ tầng du lịch, cần phải thực hiện qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và qui hoạch không gian phát triển du lịch nói riêng theo hướng phát triển bền vững và hiệu quả. Đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công - nông nghiệp và phát triển du lịch góp phần nâng cao bản sắc văn hóa của người Bình Định.

Du khách tham gia lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (Bình Định).Ảnh: Viết Ý - TTXVN



Cụ thể, trước hết tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và các phương tiện giao thông quan trọng như: Hàng không, đường thủy, đường bộ, đường sắt và các tuyến giao thông kết nối với các công trình du lịch theo tour, tuyến, cụm du lịch; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch biển bao gồm cầu tàu du lịch, cảng biển du lịch, khu du lịch biển đảo tại thành phố Quy Nhơn và tuyến đường ven biển của tỉnh; Đầu tư chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan thành phố Quy Nhơn theo hướng xanh - sạch - đẹp; hệ thống đường vào các làng nghề truyền thống; đường kết nối giữa các di sản văn hóa lịch sử quốc gia trên địa bàn tỉnh và nâng cấp xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch tại một số di tích và danh thắng; Ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở lưu trú, hình thành tổ hợp khách sạn kết hợp với trung tâm thương mại; kết hợp nghỉ dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế và đầu tư xây dựng mới các khu vui chơi giải trí cao cấp theo qui hoạch. 

Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh có tổng cơ sở lưu trú du lịch đạt 180 cơ sở, với 5.000 phòng, trong đó có 35% tổng số phòng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao. Với tổng số vốn dự kiến đầu tư trong giai đoạn (2015-2020) khoảng 5.000 tỷ đồng. Trước mắt, từ năm 2015 tỉnh Bình Định kêu gọi đầu tư 4 dự án du lịch gồm: Dự án khu du lịch sinh thái đầm Thị Nại với tổng diện tích 800 ha vốn đầu tư 400 triệu USD; Dự án khu du lịch Mũi Rồng - Tân Phụng diện tích 200 ha với đầu tư 120 triệu USD và dự án các điểm du lịch sinh thái Hồ Núi Một, diện tích 20 ha vốn đầu tư 5 triệu USD.

Cùng với việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, trong năm 2015 tỉnh Bình Định đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch để sớm đưa vào hoạt động như: Khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn có tổng diện tích 656 ha và vốn đầu tư 3.424 tỷ đồng bao gồm khách sạn cao cấp và hệ thống dịch vụ vui chơi giải trí (nhà hàng, sân Golf, cáp treo); Khu du lịch Vĩnh Hội với diện tích 300 ha do Công ty TNHH Khách sạn Việt Mỹ đầu tư với tổng số vốn 4.000 tỷ đồng; Dự án khu du lịch cao cấp phía Bắc (thuộc khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến) có diện tích 504 ha, do Công ty CP Thanh niên Bình Định đầu tư có tổng vốn đầu tư trên 1.840 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái và tâm linh Chùa Linh Phong có diện tích 56 ha do công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị và năng lượng An Phú đầu tư có tổng số vốn 500 tỷ đồng; Dự án khu du lịch Trung Lương, 74 ha tổng vốn đầu tư 390 tỷ đồng do Công ty TNHH Mỹ Tài đầu tư và dự án khu du lịch cầu Thị Nại có diện tích 94 ha do Công ty TNHH Quốc Thắng đầu tư với tổng vốn 181 tỷ đồng.

Hình thành hệ thống sản phẩm du lịch

Ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Định hướng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh bao gồm: Về du lịch biển tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư phát triển mạnh các khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển như Nhơn Hội- Phương Mai - Núi Bà và triển khai xây dựng khu du lịch núi Xuân Vân thành phố Quy Nhơn, xây dựng đề án đề nghị Bộ Y tế chuyển mục đích sử dụng khu trại phong Quy Hòa sang mục đích phát triển du lịch. Kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng các tuyến du lịch biển đảo gồm: Các đảo Nhơn Lý đến Hải Giang bao gồm các Bãi Dứa, Hòn Sẹo, Hòn Hải Âu, Hoàn Cân, Tháp Thầy bói và đầu tư khai thác hợp lý các điểm du lịch đảo Nhơn Châu, Hòn Khô, khu sinh thái Cồn chim - Đầm Thị Nại. Về văn hóa lịch sử:

Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa - Tây Sơn là dịp Bình Định thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan. Ảnh: Viết Ý - TTXVN



Tập trung giới thiệu và quảng bá Võ cổ truyền Bình Định; tiếp tục đề nghị các bộ ngành chức năng Trung ương đề nghị UNESCO công nhận Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Bài chòi dân gian miền Trung; xây dựng Trung tâm trưng bày và nghiên cứu về các nhà văn hóa và nhà thơ lớn nổi tiếng của Bình Định như; Thi sĩ Xuân Diệu, Đào Tấn, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và Chế Lan Viên… Đồng thời trùng tu và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như: Hệ thống tháp Chăm, thành Đồ Bàn, điện Tây Sơn, đàn tế Trời Đất; đền thờ Đô đốc Võ Văn Dũng và đền thờ Nguyễn Trung Trực tại huyện Phù Cát. Bảo tồn và phát huy các lễ hội, làng nghề truyền thống như: Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ hội chợ Gò, lễ hội vía chùa Bà, lễ tế cáo Trời đất và liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. 

Đầu tư xây dựng Đề án phát triển đồng bộ, toàn diện từ 2-3 làng nghề thành các điểm tham quan du lịch. Bình Định còn có nhiều ngôi chùa cổ với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc của Việt Nam, có điều kiện để phát triển loại hình du lịch tâm linh hướng đến các địa điểm như: Chùa Thập tháp, chùa Thiên Hưng, chùa Ông Núi, Khu tâm linh phật pháp Linh Phong và Tiêu chủng viện Làng Sông... Du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh như khu du lịch suối khoáng Hội Vân, Suối khoáng Chiến Thắng ở Phù Cát. Du lịch MICE (hội nghị hội thảo và sự kiện) trên cơ sở phát huy thế mạnh Trung tâm gặp gỡ Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại Quy Nhơn và sớm hoàn thành tổ hợp không gian khoa học đưa vào hoạt động theo kế hoạch. Ngoài ra, tỉnh hình thành các loại hình du lịch thể thao, giải trí và du lịch cộng đồng. Đồng thời liên kết với các tỉnh trong khu vực hình thành sản phẩm du lịch vùng như: (Nhã nhạc Cung đình Huế, hát Bài chòi, hát bội, võ cổ truyền Bình Định, Trống trận Tây Sơn, cồng chiêng Tây Nguyên) và kết nối du lịch biển với các tour, tuyến du lịch trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên để phục vụ du khách.

Phát triển nguồn nhân lực

Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch Bình Định năm 2015 là 4.300 người, trong đó tỷ lệ qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch đạt 70%. Để đạt được mục tiêu đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải cho biết thêm: Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch và đào tạo lao động có kỹ năng nghề du lịch ngắn và dài hạn. Để thực hiện, tỉnh quyết định chuyển đổi Trường Trung học văn hóa nghệ thuật thành Trường Văn hóa - nghệ thuật và Du lịch; phối hợp và tăng cường công tác đào tạo đại học và cao đẳng ngành du lịch tại Trường Đại học Qui Nhơn, Đại học Quang Trung và Cao đẳng Bình Định. Tỉnh có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường liên kết và hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực của du lịch của tỉnh; bên cạnh đó khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. Đồng thời tuyên truyền giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức về du lịch cho người dân cùng tham gia phát triển du lịch.

Đồng thời một giải pháp thu hút nguồn nhân lực cao cho phát triển du lịch tỉnh Bình Định mà theo ý kiến của ông Nguyễn văn Tuấn, Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam là: Thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng và tầm nhìn chiến lược; liên kết trong đầu tư và nhượng quyền thương hiệu; đổi mới thể chế giải phóng nguồn lực trong dân để tăng cường đầu tư gián tiếp và tạo điều kiện các nhà đầu tư thứ cấp; ưu tiên đặc biệt đối với nhà đầu tư chiến lược và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhưng đồng thời quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cải cách thể chế đào tạo để tạo sức hấp dẫn cho môi trường sống và môi trường đầu tư qua đó thu hút vốn và nhân tài từ nơi khác, tạo hiệu ứng lan tỏa của các dự án đầu tư gắn với du lịch và dịch vụ.

Bài và ảnh : Viết Ý
Bình Định kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Bình Định kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Ngày 22/2, tại Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, đã diễn ra lễ kỷ niệm 226 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa (1789-2015).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN