Khoa học công nghệ là then chốt
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, xác định khoa học công nghệ là then chốt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành, địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao ở ba trục sản phẩm. Đó là nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm địa phương (OCOP).
Theo đó, nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra…. Nhiều doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, như TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi) Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Vingroup, Ba Huân... Rất nhiều vùng nuôi trồng, nhiều nhà máy chế biến sản phẩm công nghệ cao đã được hoàn thành trong vài năm gần đây. Ở nhóm sản phẩm OCOP kết hợp truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ nên rất đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, đều truy xuất được nguồn gốc.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, việc ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần chọn tạo được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao chất lượng tốt có sức chống chịu cao, công nghệ in vitro trong nhân giống cây trồng quy mô công nghiệp đã giúp giảm giá thành cây giống, nhiều chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng vật nuôi, hạn chế dịch bệnh hại.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động tiếp cận, nhập khẩu làm chủ các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp (rau doanh thu đạt từ 2,5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha, hoa doanh thu đạt từ 5 tỷ đồng đến 9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 3 đến 5,4 tỷ đồng/ha). Nâng cao năng suất chất lượng tôm thẻ chân trắng (năng suất đạt 40 tấn/ha, gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35%. Sản xuất bò sữa (năng suất sữa đạt trên 30 lít/bò/ngày, chất lượng tốt.
Ở cấp quốc gia, đến nay đã có 6 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Nguyên, Quảng Ninh và Khu Lâm nghiệp ứng dụng CNC Bắc trung Bộ).
Cấp địa phương, căn cứ các tiêu chí quy định, cả nước đã có 18 vùng NNƯDCNC với tổng diện tích 18.089 ha, đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận. Có trên 135 khu sản xuất NNƯDCNC do doanh nghiệp đầu tư đã được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập. Ngoài ra, một số địa phương (TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa) đã chủ động thành lập, đầu tư hạ tầng Khu NNƯDCNC, đưa vào hoạt động có hiệu quả (không trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu). Cả nước có 290 doanh nghiệp nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...
Cả nước đã hình thành gần 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây, an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm rủi ro tác động của biến đổi khí hậu, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Mặt khác, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn những hạn chế bởi chủ yếu mới tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số doanh nghiệp lớn chưa có tính lan tỏa. Các khu NNƯDCNC đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hầu hết chỉ tập trung vào sản xuất, các chức năng khác như nghiên cứu, chuyển giao, quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng nên chưa phát huy được chức năng, vai trò hạt nhân lan tỏa, phục vụ thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa ưu tiên phát triển NNƯDCNC, đề xuất phê duyệt thành lập Khu NNƯDCNC khi chưa có đủ điều kiện về đất đai, quy hoạch và nguồn lực. Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, không theo định hướng, quy mô sản xuất chưa đủ lớn để tạo sản phẩm hàng hóa tập trung, gây khó khăn trong việc đầu tư và quản lý.
Sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, thị trường sản phẩm không ổn định, trong khi bảo hiểm nông nghiệp chưa đi vào thực tiễn. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức về thủ tục vay vốn, vay tín chấp, vay có tài sản thế chấp.
Nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ còn hạn chế, cơ chế hợp tác công tư giữa các tổ chức khoa học công nghệ công lập và khu vực tư nhân còn nhiều vướng mắc. Vì vậy việc đầu tư cho các nghiên cứu làm chủ công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến còn thiếu và yếu. Cơ chế tiếp nhận, chuyển giao, mua bản quyền công nghệ từ nước ngoài có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn nhiều vướng mắc.
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là do quy mô đất đai cho sản xuất manh mún, khó khăn cho việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Các chính sách hiện có chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp; nhiều thủ tục hành chính trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, vay vốn tín dụng của các tổ chức ngân hàng thương mại còn; liên kết giữa “4 nhà” còn yếu và thiếu bền vững. Các hộ dân sản xuất kinh doanh NNƯDCNC, nông nghiệp sạch thiếu thông tin đầy đủ về thị trường tiêu thụ; hoạt động nghiên cứu, dự báo cung cầu thị trường còn bất cập.
Đâu là giải pháp khắc phục
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của xã hội, tổ chức, doanh nghiệp về các kết quả, thành tựu nghiên cứu, vai trò của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (đặc biệt ưu tiên sửa đổi Luật Công nghệ cao năm 2008) nhằm thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ cao, khuyến khích đầu tư, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển NNƯDCNC.
Về cơ chế đầu tư công tư (PPP), đây sẽ là đột phá lớn nhất thúc đẩy ứng dụng và lan tỏa công nghệ cao trong nông nghiệp, do vậy cần đẩy nhanh hoàn thiện thể chế về PPP. Hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ triển khai các dự án NNƯDCNC trên cơ sở ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp đã được nghiệm thu, các hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc các thỏa thuận hợp tác về khoa học công nghệ; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ.
Ông Nguyễn Thành Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng, nhất là việc phối hợp chặt chẽ có hiệu quả tiến bộ khoa học khu vực nhà nước với khu vực tư nhân mà hạt nhân là các doanh nghiệp lớn.
Cần tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất NNƯDCNC tiếp cận các nguồn lực; thực thi mạnh mẽ việc xác nhận quyền tài sản trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn... Lồng ghép kiến thức về NNƯDCNC, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, hữu cơ vào hệ thống giáo dục từ cấp phổ thông; đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân...
Về đất đai, cần sửa đổi pháp luật về đất đai theo hướng thúc đẩy phát triển quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, đơn giản thủ tục thuê, chuyển nhượng đất đai; có chính sách khuyến khích, thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, dồn điền đổi thửa để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong vấn đề thị trường tiêu thụ cần xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm NNƯDCNC; xây dựng thương hiệu nông sản, thực hiện liên kết đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm NNƯDCNC…
Về khoa học công nghệ, tiếp tục nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học công nghệ công lập, liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất; hoàn thiện các chính sách về thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ươm tạo, chuyển giao, phát triển công nghệ…
Xây dựng và triển khai các dự án chuyển giao, làm chủ công nghệ cao trong nông nghiệp. Tập trung hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương (OCOP), tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao để phát triển các sản phẩm có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu.