Đẩy mạnh phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam

Sáng 16/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam - Triển khai Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, quy định chi tiết về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các điều kiện, nghĩa vụ và quy trình đăng ký hoạt động đối với các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA-Certified eContract Authority).

“Với việc hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã được hoàn thiện, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ, phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi tại Việt Nam, đưa hợp đồng điện tử trở thành một đòn bẩy quan trọng để phát triển nền kinh tế nói chung”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Thực tế, đối với hoạt động giao dịch xuyên biên giới, xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài bằng các phương thức hợp đồng điện tử từ lâu nay, đặc biệt với các đối tác tại các nước phát triển. Khảo sát của Bộ Công Thương trong sách trắng Thương mại điện tử 2021 cho thấy, có 33% doanh nghiệp được khảo sát đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại.  

Mặt khác, kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện cho đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt dịch bùng phát và diễn biến phức tạp trên diện rộng, dẫn đến thói quen và hành vi của doanh nghiệp, người dân tại Việt Nam cũng thay đổi nhanh chóng. Một trong những việc thay đổi đó là doanh nghiệp đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường, sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử. Việc ứng dụng hợp đồng điện tử không chỉ giúp cho các doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn giúp giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng cách trong giao dịch thương mại.

Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để cấp đăng ký cho các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Tin học và Công nghệ số nghiên cứu, phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng số, để xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ 3 như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế, các đơn vị liên quan khác; có thể kiểm tra, xác thực được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử. 

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ, vừa qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp kỹ thuật Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam. Theo đó, đã có 17 đơn vị gửi công văn, hồ sơ đề nghị cấp đăng ký, trong đó, 6 đơn vị đã tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp. Cụ thể, mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ có gắn kèm với các quy chế về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng. Điều này giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ 3 có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử. 

Đến nay, sau khi Thông tư 01/2022/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động có hiệu lực ngày 8/3/2022, Cục đang triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình cấp đăng ký theo quy định. Dự kiến trong tháng 6, đầu tháng 7, các đơn vị đầu tiên đảm bảo đủ các yêu tố vận hành dịch vụ sẽ được cấp đăng ký.

Tại Hội nghị, đã diễn ra Lễ công bố Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (www.CeCA.gov.vn) do Trung tâm Tin học và Công nghệ số phối hợp cùng các đối tác công nghệ để phát triển. Hệ thống Trục sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các Tổ chức Chứng thực hợp đồng điện tử trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đồng thời cung cấp Cổng tra cứu, xác thực hợp đồng điện tử (xacthuc.CeCa.gov.vn) cho bên thứ ba.

6 đơn vị CeCA tương lai các doanh nghiệp công nghệ đã ký kết triển khai tích hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam, xây dựng hạ tầng thúc đẩy thương mại điện tử an toàn, nhanh chóng, tiện lợi, bảo mật. 

Thu Trang/Báo Tin tức
Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số
Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số

Ngày 14/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc với tỉnh Ninh Bình về công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số năm 2022 và những năm tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN