Chốt phiên trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2016 tăng 2,04 USD lên 46,80 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 9/2016 chốt phiên ở mức 48,47 USD/thùng, tăng 2,22 USD so với mức đóng cửa phiên trước.
Trong báo cáo mới công bố hồi tháng 7 vừa qua, OPEC dự báo tình trạng dư cung dầu thế giới vốn đè nặng lên tâm lý giới đầu tư bấy lâu nay có thể sẽ dịu bớt trong năm nay và năm sau nhờ việc các nước sản xuất dầu ngoài OPEC cắt giảm sản lượng, đặc biệt là Mỹ.
Trước đó, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) công bố báo cáo cho biết sản lượng khai thác dầu của nước này trong tháng 6 vừa qua giảm xuống mức trung bình 8,6 triệu thùng/ngày, đồng thời giữ nguyên dự báo sản lượng năm 2017 ở mức 8,2 triệu thùng/ngày.
Cùng ngày, các chỉ số chứng khoán trên thị trường Phố Wall đã xác lập mức cao kỷ lục mới trong bối cảnh giới đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, báo cáo kinh doanh tích cực của tập đoàn sản xuất nhôm Alcoa cũng thúc đẩy hoạt động mua vào các tài sản rủi ro như chứng khoán.
Chốt phiên, chỉ số S&P 500 tăng 14,98 điểm (0,7%) lên 2.152,14 điểm, vượt qua mức chốt phiên cao kỷ lục hôm đầu tuần (2.137,16 điểm). Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 120,74 điểm (0,66%) lên 18.347,67 điểm, phá mức cao kỷ lục trong tháng 5/2015, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 34,18 điểm (0,69%) lên 5.022,82 điểm, mức cao nhất kể từ cuối tháng 12/2015.
Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tác động tiêu cực đến thị trường vàng thế giới khiến giá kim loại quý này sụt giảm mạnh nhất trong vòng ba tuần qua giữa bối cảnh tình hình bất ổn chính trị tại Anh sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua đã phần nào lắng dịu và những kỳ vọng vào việc đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế trên toàn cầu đang gia tăng.
Chốt phiên trên sàn COMEX (Mỹ), giá vàng giao tháng 8/2016 giảm 21,30 USD (1,57%), xuống 1.335,30 USD/ounce.