Tuy thủy sản là lĩnh vực truyền thống có nhiều thế mạnh, nhưng chỉ xếp thứ 3 trên 6 ngành kinh tế biển được thành phố Đà Nẵng ưu tiên đầu tư phát triển thời gian tới. Hai lĩnh vực được xác định cần tập trung đẩy mạnh hàng đầu là du lịch dịch vụ biển và kinh tế hàng hải (logistics). Đây cũng là những xu hướng phát triển chung của thế giới, ổn định, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Ngành công nghiệp không khói” là ưu tiên hàng đầu
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, hoạt động du lịch năm 2019 tiếp tục có nhiều khởi sắc, các chỉ tiêu du lịch năm 2019 đều vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là khách quốc tế, môi trường du lịch tiếp tục được đảm bảo.
Số liệu của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho thấy, năm 2019, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ ước đạt trên 5,9 triệu lượt khách, tăng 26% so với năm 2018; trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 3,5 triệu lượt, tăng 30,7% so với năm 2018; khách nội địa ước đạt trên 2,4 triệu lượt, tăng 19,8% so với năm 2018. Đây cũng là năm lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng cao nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh các lợi thế về thiên nhiên như bờ biển dài với bãi cát trắng mịn, khu bảo tồn Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà, một số sản phẩm du lịch mới đã được ngành du lịch đầu tư và nâng cấp như các bến tàu phục vụ du lịch đường sông, xúc tiến chương trình biểu diễn Vũ hội Ánh Dương, chương trình biểu diễn Hồn Việt… Thương hiệu du lịch Đà Nẵng cũng được tiếp tục khẳng định qua các sự kiện tầm quốc tế như Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội Ẩm thực quốc tế...
Cũng theo thống kê của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, khách du lịch quốc tế đường hàng không đến Đà Nẵng năm 2019 ước đạt trên 3,25 triệu lượt, tăng 38,5% so với năm 2018. Lượng khách tăng mạnh do có thêm các đường bay quốc tế trực tiếp tới Đà Nẵng mới từ các thành phố: Incheon, Busan, Daegu (Hàn Quốc), Osaka (Nhật Bản), Bangkok, Chiang Mai (Thái Lan), Doha (Qatar), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Phnompenh (Campuchia), các chuyến bay charter từ Nhật Bản, Trung Quốc, kết hợp việc tăng tần suất bay của các đường bay sẵn có từ Hàn Quốc, Thái Lan. Bên cạnh đó, du khách đi bằng đường biển năm 2019 ước đạt 129.900 lượt với 101 chuyến tàu, tăng 6,2% so với năm 2018.
Về khách du lịch đường biển, ông Trần Lê Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Quyền Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cho biết: hiện tại Cảng có gần 1.700m cầu bến với khả năng tiếp cận các tàu hàng tổng hợp lên đến 70.000 DWT, tàu container đến 50.000 DWT và tàu khách đến 150.000 GT. Riêng trong lĩnh vực tàu khách, năm 2019, Cảng Đà Nẵng đã đón hơn 100 chuyến tàu du lịch, tăng 4% so với năm 2018. Ngày càng nhiều tàu du lịch quốc tế hạng sang, cỡ lớn thường xuyên ghé thăm Đà Nẵng như Costa Atlantica, World Dream... Do lượng khách tăng nên ban lãnh đạo Cảng đang nghiên cứu quy hoạch lối đi riêng cho khách du lịch đường biển nhập cảnh qua Cảng Đà Nẵng.
Để trở thành trung tâm logistics của khu vực
Trong diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 vừa được tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11/2019 vừa qua, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đánh giá Đà Nẵng là thành phố có nhiều thuận lợi để phát triển thành Trung tâm logistics của khu vực và thế giới.
Có thể kể đến như: Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của cả nước và Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Đà Nẵng cũng là một điểm đầu của Hành lang Kinh tế Đông - Tây, kết nối biển Đông với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar và mở rộng sang Malaysia, Singapore. Trong thời gian vừa qua, hoạt động logistics trên tuyến Hành lang này đang trở nên sôi động. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng có rất nhiều nỗ lực phát triển dịch vụ logistics, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics như: xây dựng đường cao tốc nối Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mở rộng sân bay Đà Nẵng, quy hoạch cảng Liên Chiểu và các trung tâm logistics của thành phố...
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, thành phố đã triển khai xây dựng và ban hành Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định 5778/QĐ-UBND ngày 03/12/2018); trong đó, xác định mục tiêu “phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, đặc biệt “Cảng Liên Chiểu sẽ được sử dụng như cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của các nước ASEAN và các nước châu Á Thái Bình Dương”.
Song song với việc xây dựng Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu là trung tâm logistics cấp vùng, cảng biển hạng I (quy mô đến 2030 là 35 ha, đến 2045 là 69 ha), UBND thành phố đã có chủ trương chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng hành khách, du lịch, quân sự. Đồng thời, Đà Nẵng tập trung quy hoạch, cải thiện hệ thống giao thông kết nối, xây dựng mới một đường sắt kết nối trực tiếp ga hàng hóa đường sắt Kim Liên với trung tâm logistics cảng Liên Chiểu. Xây dựng tuyến đường bộ kết nối cảng Liên Chiểu với Quốc lộ 1 phía Nam hầm Hải Vân. Dự kiến đến 2020 trung tâm logistics trên địa bàn thành phố sẽ đáp ứng 25% về lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, 2025 là 30%, 2030 là 35%, đến 2050 là 55%.
Với quy hoạch các trung tâm logistics cùng với việc cải thiện hệ thống giao thông thành phố, Đà Nẵng đáp ứng được điều kiện cần và đủ thúc đẩy dịch vụ kho bãi container hỗ trợ vận tải biển và vận tải đường bộ, vận tải đường thủy; dịch vụ chuyển phát, đại lý vận tải hàng hóa; dịch vụ quản lý hàng hóa lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng; dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan; dịch vụ kiểm tra vận đơn, môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải... Nhờ đó, góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng, tạo sức lan tỏa cho toàn khu vực miền Trung và có khả năng cung cấp một số dịch vụ logistics cạnh tranh trao đổi hàng hóa quốc tế trung chuyển trên hành lang kinh tế Đông - Tây, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng như tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã nêu.
Bài cuối: Để kinh tế Đà Nẵng căng buồm ra biển lớn