Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Nha Trang - Sài Gòn (giai đoạn 2) trên chiều dài khoảng 411 km, được khởi công ngày 26/1/2023. Dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn 6 tỉnh/thành phố: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Phạm vi đầu tư dự án trong khu đoạn đường sắt Nha Trang - Sài Gòn có điểm đầu tại ga Nha Trang (Km1314+930), điểm cuối tại ga Sài Gòn (Km1726+200).
Đến nay đã triển khai thi công 2 gói thầu xây lắp (Gói NTGS2-XL01 và Gói NTGS2-XL02 tại 8 khu gian. Tại những vị trí này không cải tuyến, làm nền, chỉ thi công thay đá, tà vẹt, ray và một số cầu trên tuyến cũng đang được triển khai.
Cụ thể, sau hơn 9 tháng thi công 2 gói thầu đạt sản lượng khoảng 73%; trong đó, gói NTGS2-XL01, cải tạo kiến trúc tầng trên của đường sắt, hiện nhà thầu đã hoàn thành 26 km trong tổng 33km của gói thầu đạt 68% giá trị hợp đồng. Gói NTGS2-XL02, cải tạo kiến trúc tầng trên đường sắt, nhà thầu đã hoàn thành 39 km trong tổng số 44 km của gói thầu, đạt 78% giá trị hợp đồng. Các nhà thầu đang phấn đầu hoàn thành 90% gói thầu trong năm 2023.
Là nhà thầu thi công phần đường, ông Nguyễn Văn Đệ, Chỉ huy trưởng thuộc Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú, đảm nhận thi công 8 km đường sắt thuộc gói thầu NTGS2-XL02 do liên danh nhà thầu gồm (Long Hưng, RCC, Vĩnh Phú, Phú Khánh đảm nhận) cho biết, đơn vị bắt đầu tổ chức thi công từ tháng 3/2023, sản lượng của đơn vị đảm nhận đến thời điểm này đạt khoảng 70%. Nhà thầu đang đẩy mạnh thi công, phấn đấu xong phần việc của đơn vị trong năm 2023.
Về đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công và đảm bảo chất lượng công trình, ông Nguyễn Văn Đệ chia sẻ, trong qua trình thi công đơn vị phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt để đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu. Về đảm bảo chất lượng công trình, nhà thầu cam kết thi công theo đúng yêu cầu của chủ đầu tư dưới sự giám sát chặt chẽ của tư vấn giám sát, nguồn vật liệu được nhà thầu khai thác đảm bảo tuân thủ pháp luật về khai thác mỏ.
Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin thêm, trong tổng số 411 km của tuyến đường sắt Nha Trang – Sài Gòn, đợt nâng cấp này chỉ phải thi công 77 km, các đoạn tuyến khác đã được đầu tư trong giai đoạn 1 hoặc được đầu tư tư nguồn vốn bảo trì hàng năm của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Thông tin về gói thầu còn lại NTGS2-XL03 nâng cấp 2 nhà ga (Sóng Thần và Dĩ An) nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay, hiện tư vấn đang thiết kế kỹ thuật, sau khi hoàn thành bước này sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu (dự kiến trong quý IV/2023).
Về nâng cấp ga Sóng Thần, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho hay, các hạng mục thực hiện là kéo dài đường sắt, cải tạo bình diện đường sắt bãi hàng; đặt mới 2 đường xếp dỡ bãi hàng An Bình. Cùng với đó là cải tạo các bãi hàng hiện hữu và xây mới một bãi hàng phục vụ xếp dỡ hàng rời, hàng hỗn hợp; cải tạo, xây mới đường bộ vào bãi hàng; cải tạo 5 kho hàng hiện hữu...nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải của ga đến năm 2030 đạt công suất xếp dỡ hàng hóa đạt trên 2,1 triệu tấn/năm.
Đối với ga Dĩ An, các hạng mục thực hiện là cải dịch đường sắt số 60 về phía đường chính tuyến đảm bảo khoảng cách tim đường chính tuyến tối thiểu 4,1m; cải tạo kiến trúc tầng trên, nền đường, thoát nước đã hư hỏng trong ga. Xây mới nhà ga hành khách 2 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 386m2, bao gồm đầy đủ các phòng chức năng,phòng đợi tàu và các công trình phụ trợ đồng bộ như hệ thống ke ga, mái che ke ga, sân ga...
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do việc tổ chức thi công các công trình trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác, do đó đơn vị đã yêu cầu nhà thầu phải đảm bảo đầy đủ thủ tục theo quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá, dự án cải tạo đường sắt Nha Trang-Sài Gòn nằm trong gói 3.000 đồng vốn ngân sách trung hạn (2021-2025) được đầu tư nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa nhằm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có trên khu đoạn Nha Trang - Sài Gòn nói riêng tuyến đường sắt Bắc – Nam nói chung.
Trước đó, nhằm triển khai Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn (giai đoạn 1) đã được thực hiện. Dự án này được sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 (gói 7.000 tỷ đồng) đã hoàn thành.