Làn sóng mới của ví điện tử
Ngày 8/8 vừa qua, Apple Pay chính thức gia nhập thị trường Việt Nam, khiến các "Fan nhà táo” hào hứng và nhanh chóng tìm kiếm thông tin để có thể tích hợp các loại thẻ ngân hàng vào ví và trải nghiệm phương thức thanh toán mới này.
Anh Hải Đăng (ngụ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Sau khi tìm hiểu thông tin về Apple Pay, tôi đã thêm thẻ visa của mình vào ví điện tử. Sáng 9/8, tôi đã ghé vào cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s và trải nghiệm phương thức thanh toán mới này. Do Apple Pay tích hợp trên cả Apple Watch, vì thế không cần dùng điện thoại tôi đã có thể thanh toán bằng cú chạm chỉ trong 1 giây, rất nhanh và tiện lợi, lại an toàn”.
Có thể thấy, phương thức thanh toán mới này tuy mới chính thức có mặt tại Việt Nam nhưng thật sự lại là đối thủ đáng gờm so với các phương thức thanh toán hiện có vì có thể sử dụng trên hệ sinh thái của Apple. Tuy nhiên, hiện mới có một số ngân hàng kết nối với ví điện tử Apple Pay, gồm Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, Sacombank và VPBank.
Ngoài việc thanh toán qua thẻ ngân hàng, hiện ví điện tử “nhà táo” còn có thể thanh toán trên cổng thanh toán ZaloPay, Vnpay. Điều này có nghĩa, các đối tác doanh nghiệp đang hợp tác và sử dụng Cổng thanh toán ZaloPay, Vnpay có thể mở thêm lựa chọn thanh toán mới là Apple Pay cho khách hàng của họ.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Lợi ích đối với doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh khi khách hàng thanh toán qua Apple Pay là thanh toán nhanh chóng chỉ với một chạm; bảo mật và an toàn với Face ID, Touch ID hoặc mật khẩu riêng. Đồng thời, Apple Pay giúp nhà bán hàng nâng cao tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng cũng như doanh thu và không mất thêm phụ phí. Chúng tôi nghĩ rằng, với sự phổ biến của hình thức thanh toán không tiếp xúc trên di động tại Việt Nam, người tiêu dùng sẽ ngay lập tức đón nhận sự tiện lợi và an toàn mà phương thức thanh toán này mang lại”.
Hiện nay, khách hàng có thể thanh toán trực tuyến và tại cửa hàng bằng các thiết bị Apple (iPhone, Apple Watch, iMac, MacBook và iPad) ở các điểm chấp nhận thanh toán như Starbucks, Phúc Long, Mc Donald's, Highlands Coffee, CGV, Winmart, nhà thuốc Long Châu, Taxi MaiLinh, Thế giới di động, Pizza Company, Emart… Ngay cả các trang web cũng có thể thanh toán được bằng ví điện tử Apple như Shopee, Baemin, Be, Hasaki...
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên một phương thức thanh toán qua di động của nước ngoài có mặt ở thị trường Việt Nam. Trước Apple Pay, cả Samsung Pay và Google Pay đều đã xuất hiện nhưng chưa có sự đột phá, chưa đủ sức cạnh tranh với các phương thức thanh toán khác trong việc lấy lòng người dùng Việt Nam.
Tuy vậy, với Apple Pay, các ngân hàng cho rằng có thể tạo làn sóng mới khi lượng người dùng các thiết bị Apple ở Việt Nam rất lớn, đặc biệt là iPhone và độ bảo mật của các dòng điện thoại này được người dùng gần như tin tưởng tuyệt đối.
Đưa thanh toán QR Code về một mối
Trong khi đó, một đơn vị ví điện tử tại Việt Nam lại đang có tham vọng là quy tất cả các ngân hàng, ví điện tử có sử dụng QR Code về một mối. Theo đó, cuối tháng 7 vừa qua, ZaloPay đã cho ra mắt mã QR ZaloPay đa năng (kết hợp giữa mã QR của ZaloPay và VietQR), giúp các cửa hàng bán lẻ, hộ kinh doanh và cả những thương hiệu bán lẻ lớn giải bài toán đồng nhất một mã QR để quét tất cả ứng dụng ngân hàng thương mại, ví điện tử khác.
Bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay cho hay, do "sinh sau đẻ muộn" nên ví điện tử phải luôn tích hợp nhiều tính năng mới để thu hút người dùng. Cụ thể, trong 3 năm, từ năm 2020 - 2021, đơn vị đã đẩy mạnh hợp tác với các đối tác bán lẻ như Big C, KFC... để tạo kênh bán hàng và chăm sóc khách hàng trên Zalo. Nhờ vậy, cuối năm 2022 đã có hơn 11,5 triệu người dùng kích hoạt ví điện tử (có phát sinh giao dịch). Đến năm 2022, ví điện tử ZaloPay đã tăng độ phủ thị trường khi triển khai các sản phẩm tài chính và cung cấp các tiện ích cho các khách hàng hay đối tác.
Thông qua sự hợp tác cũng như lắng nghe doanh nghiệp, người tiêu dùng, mã QR ZaloPay đa năng ra đời giúp các doanh nghiệp có thể giải quyết trong vấn đề quản trị doanh thu, đẩy mạnh kinh doanh hiệu quả, ngay cả người tiêu dùng cũng thuận tiện khi thanh toán. Cụ thể, người tiêu dùng có thể sử dụng bất cứ ví điện tử nào (MoMo, SmarPay, VNPay, Shopee Pay, Apple Pay…) hay bất cứ ngân hàng nào có mã QR đều có thể quét trên nền tảng QR ZaloPay thanh toán; còn các doanh nghiệp, cửa hàng khi được thanh toán qua mã QR đa năng này đều có thể nhận tiền về mà chỉ cần sử dụng một ngân hàng mà thôi.
“Hiện tại mã QR đã phủ 237 đơn vị chuỗi cửa hàng lớn nhỏ, gồm 65% là cửa hàng dịch vụ ăn uống (Texas Chicken, The Coffee House, Katinat, Bonchon Chicken, KFC…) và 35% dịch vụ bán lẻ. Hiện đơn vị chỉ còn tập trung thực hiện các chiến dịch marketing để gia tăng nhận biết của người dùng về mã QR đa năng nữa mà thôi”, bà Lê Lan Chi, CEO ZaloPay chia sẻ.
Đáng chú ý, ví điện tử này cũng đang có tham vọng mở rộng thanh toán xuyên biên giới. Theo đó, khách nước ngoài khi đến Việt Nam, chỉ cần tích hợp thẻ tín dụng ngân hàng của họ vào ZaloPay là có thể thanh toán dễ dàng. Tuy nhiên, tính năng này đang trong quá trình nghiên cứu phát triển.
Thực tế, một ví điện tử đa năng tích hợp thanh toán nhiều ngân hàng không phải là lần đầu tiên xuất hiện. Trước đó, VNPay đã thực hiện giải pháp này. Hiện có hơn 40 ngân hàng và hàng trăm doanh nghiệp liên kết với VNPay để thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa VNPay-QR với QR ZaloPay đa năng chính là người dùng muốn thanh toán qua VNPay phải tải ví điện tử này về; nếu thanh toán trên nền tảng web, người dùng phải đăng nhập thông tin ngân hàng để thực hiện giao dịch. Ngoài ra, chưa có ví điện tử khác có thể thanh toán qua VNPay-QR.
Với cuộc đua và sự cạnh tranh của các ví điện tử nội - ngoại, các chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, điều này sẽ góp phần giúp cho tốc độ phủ sóng thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch khi phương thức thanh toán ngày trở nên thuận tiện và gần gũi với mọi người, đặc biệt người già cũng có thể dễ dàng thao tác thanh toán.
Mặt khác, sự phát triển của thị trường điện thoại thông minh, công nghệ cũng tác động rất lớn. Hãng Insider Intelligence dự báo, năm 2023, lượng người dùng smartphone tại Việt Nam dự kiến ở mức 63,8 triệu người, tăng 1,6% so với năm 2022 và chiếm 96,1% lượng người dùng internet trên cả nước.
Còn theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, số tài khoản cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại trên cả nước khoảng 68,7 triệu tài khoản, 70 tổ chức tín dụng đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet và khoảng 36 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. NHNN cũng đã cấp giấy phép hoạt động trung gian thanh toán cho 21 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán… Điều này đã góp phần đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt.
Số liệu mới nhất từ NHNN cũng cho thấy, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua internet tăng 75,54% về số lượng và tăng 1,77% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 64,26% về số lượng và tăng 7,65% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 151,14% về số lượng và tăng 30,41% về giá trị; qua POS tăng 30,35% về số lượng và tăng 27,27% về giá trị. Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm 4,62% về số lượng và giảm 6,43% về giá trị.