Tuy nhiên, với mức tăng trưởng sử dụng điện lớn, trên 10%/năm như hiện nay thì từ năm 2019 - 2020 trở đi, việc cung ứng điện sẽ gặp nhiều khó khăn. EVN đã báo cáo với Bộ Công Thương và Chính phủ về vấn đề này.
Theo ông Thành, trong giai đoạn vừa rồi, nguồn điện đầu tư tăng thêm chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng 10%/năm. Với mức tăng này, nguồn điện tăng thêm cần 4.000 - 5.000 MW nhưng vừa rồi mới thêm công suất được gần 3.000 MW.
“Đặc biệt hiện cũng chưa khởi công dự án nguồn điện nào để có thể đưa vào vận hành trong những năm tới. Cho nên nhu cầu điện với tăng trưởng trên 10% thì việc cung ứng từ 2019 trở đi là hết sức khó khăn. Tập đoàn EVN đã cân đối nguồn và báo cáo Bộ Công Thương, và Bộ trưởng cũng đã họp, Tập đoàn đã đưa giải pháp đảm bảo điện trong thời gian tới”, ông Thành nói.
Năm 2019-2020, trước mắt, khả năng thay thế các nguồn điện chạy dầu, để đảm bảo tài chính của Tập đoàn là khó khăn, nhu cầu điện dầu 3-4 tỷ kWh/năm. Đây là áp lực đối với tài chính của Tập đoàn nhưng cũng không còn nguồn nào khả thi hơn để đảm bảo nhu cầu điện của đất nước.
Còn từ 2020 trở đi, hiện Tập đoàn đang tập trung vào đàm phán, mua điện từ các nước trong khu vực, đặc biệt là từ Lào, thu xếp các chủ đầu tư đầu tư các nhà máy điện mặt trời. Hiện khả năng đáp ứng khoảng 2.000 MW thì tăng thêm khoảng 2 – 3 tỷ kWh, giảm gánh nặng trong giai đoạn 2019-2020.
Để đảm bảo nguồn cung ứng điện trong những năm tới, đại diện EVN cũng kiến nghị, hiện tập đoàn này vướng mắc trong thủ tục đàm phán mua bán điện với các nhà đầu tư của Lào, khung giá chưa được ban hành. Do vậy, Bộ Công Thương sớm có khung giá để tạo cơ sở cho tập đoàn đàm phán với các chủ đầu tư phía Lào.
Đối với việc mua điện Trung Quốc, EVN cho rằng, cần tăng mức mua lên 3-4 tỷ kWh, thay vì ở mức 1,2 -1,5 tỷ kWh như hiện nay, với giải pháp lắp đặt thiết bị truyền tải, xoay chiều, liên kết lưới điện ổn định hơn…
Với các dự án đầu tư điện mặt trời, với công suất lớn cũng gây áp lực cho việc truyền tải, trong khi đó, việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cấp truyền tải không thì hoàn thành trong 1 – 2 năm để phát triển hệ thống lưới. EVN kiến nghị Bộ có giải pháp khuyến khích chủ đầu tư phân bổ nguồn điện mặt trời cho phù hợp,…
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thời gian qua đã làm tốt việc đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Để giải quyết vướng mắc trên, Bộ trưởng cho hay, liên quan biểu giá, mua bán điện từ chủ đầu tư bên Lào cũng như điều kiện cần thiết, Bộ đã có họp, sẽ sớm có kết luận và triển khai biện pháp cụ thể; Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đảm bảo tiến độ và đẩy nhanh hơn nữa vấn đề này.
Tiếp đến là trong các chủ trương mới như phát triển năng lượng sạch, điện mặt trời thì còn phụ thuộc nhiều vào vấn đề công nghệ, đồng bộ chính sách, đặc biệt trong đó là đảm bảo phát triển hạ tầng. Nếu không có rà soát, điều chỉnh liên quan đến phát triển hạ tầng, kể cả vai trò của tư nhân, hạ tầng cần thiết cho kết nối, nâng công suất hấp thụ… thì chắc chắn, phụ tải tại khu vực sẽ không khai thác được và phát triển lệch, chưa kể đến hiệu quả của chính sách không đạt được.
“Vì vậy, chúng ta sẽ xem cụ thể và Bộ chỉ đạo các đơn vị chức năng, triển khai sớm công việc và có báo cáo Chính phủ”, Bộ trưởng nói.
“Trong định hướng và kế hoạch sắp tới, cũng chưa thấy triển khai dự án đầu tư nguồn điện mới, cho dù là các phương án cơ sở; các phương án đầu tư mới thì còn nhiều vướng mắc, cả về quan điểm chính sách, chủ trương và thực tiễn hoạt động và nguồn lực của chúng ta”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vướng mắc về khung khổ pháp lý, thậm chí cả về thể chế liên quan phát triển hạ tầng năng lượng, như tổng sơ đồ điện thì cũng phải xem xét và báo cáo cụ thể, không chỉ luật đầu tư công, luật xây dựng, mà ngay cả các nghị định, văn bản hướng dẫn các bộ ngành thì sẽ rà soát và có tiếp cận mang tính toàn diện hơn.
Bộ trưởng cũng đồng tình với những khó khăn của ngành điện liên quan đến nguồn, công trình trọng điểm… Tuy nhiên, ngành điện còn nhiều vấn đề cần phải triển khai như thị trường điện cạnh tranh, hoàn thiện thị trường phát điện; tái cơ cấu ngành điện, sắp xếp doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả trong sử dụng năng lượng, tiết kiệm; đa dạng hóa các nguồn cung, đảm bảo an toàn hệ thống điện. Mục tiêu quan trọng xuyên suốt là phải đảm bảo cân đối cung cầu điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước…
Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành điện tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt ở mức 10,4%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9%). Ngành điện đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt các hoạt động chính trị xã hội và sinh hoạt của nhân dân, đồng thời đáp ứng cấp nước cho khu vực hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tính chung 6 tháng, sản lượng điện sản xuất ước đạt 99.684,1 triệu kWh, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017. Điện thương phẩm ước đạt 91.487,1 triệu kWh, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Ngành điện đã hoàn thành và đưa vào phát điện Thủy điện Sông Bung 2 với tổng công suất 100MW; Hoàn thành việc thử nghiệm, chạy tin cậy và phát điện thương mại các dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình, Vĩnh Tân 4, qua đó đóng góp vào tăng trưởng của ngành điện…