Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng, các doanh nghiệp đang hoạt động tại Tehran sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Điều này đã tạo nên phản ứng từ một loạt doanh nghiệp, nhất là những công ty châu Âu trong năm ngoái đã đẩy mạnh làm ăn tại Iran.
Trước tiên phải kể tới hãng chế tạo ô tô Daimler của Đức, khi hãng này vừa quyết định dừng kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Iran. Daimler hiện đã dừng các hoạt động bị hạn chế tại Iran để tuân thủ các yêu cầu của lệnh trừng phạt vừa được Mỹ tái áp đặt lên quốc gia Trung Đông này. Đầu năm 2016, Daimler đã lập liên doanh với nhà sản xuất ô tô kiêm đại lý ô tô Khodro Co của Iran để sản xuất và phân phối xe tải Mercedes-Benz tại quốc gia này.
Trong khi đó, nhà sản xuất ô tô PSA của Peugeot (Pháp) từ tháng 6/2018 cũng bắt đầu tiến hành các bước để đình chỉ hoạt động liên doanh tại Iran, giữa lúc đối thủ chính của hãng này là Renault cho biết họ sẽ tuân thủ các quy định trừng phạt của Mỹ. Cả PSA và Renault đã rút dần hoạt động tại Iran tới ngày 6/8 vừa qua.
Sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015, hai nhà sản xuất ô tô Pháp này đã nhanh chóng ký kết các hợp đồng sản xuất để tiếp cận thị trường Iran. PSA đã ký thỏa thuận sản xuất ô tô tại Iran trị giá 700 triệu euro, trong khi Renault cũng từng công bố dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới tại Iran để nâng sản lượng lên 350.000 xe mỗi năm.
Tập đoàn dầu khí Total của Pháp cho biết, tập đoàn này sẽ rời khỏi dự án khí đốt hàng tỷ USD South Pars khi các lệnh trừng phạt của Mỹ không cho phép. Năm 2017, Total ký kết một hợp đồng phát triển giai đoạn 2 của dự án South Pars với giá trị đầu tư ban đầu lên tới 1 tỷ USD và hiện vẫn chưa đưa ra phương án với 30% cổ phần khi rút khỏi dự án. Theo dự kiến, Total sẽ rút hoàn toàn hoạt động khỏi Iran từ ngày 4/11.
Hãng sản xuất động cơ máy bay ATR ngày 6/8 cũng khẳng định sẽ bàn giao thêm 5 chiếc máy bay cho IranAir trước khi Washington ban hành lệnh trừng phạt mới, song ATR vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để được Mỹ cấp phép cho hãng này bàn giao thêm 11 chiếc máy bay nữa cho Iran theo đơn đặt hàng.
Xét về lĩnh vực dược phẩm, công ty dược phẩm lớn nhất châu Âu Sanofi cho biết, hiện còn quá sớm để đề cập tới bất kỳ tác động nào từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với hoạt động của công ty này tại Iran. Đầu năm 2016, Sanofi đã ký một Biên bản ghi nhớ với Tehran nhằm củng cố sự hiện diện của công ty này tại Iran. Thuốc là mặt hàng được miễn trừ trong lệnh trừng phạt ban đầu mà Mỹ áp dụng với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân, mặc dù việc chuyển thuốc vào nước này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Đại diện cho lĩnh vực thực phẩm, công ty Nestle của Thụy Sỹ cũng chưa nhận thấy những tác động trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran. Nestle Iran có trụ sở chính tại Tehran và hai nhà máy ở Qazvin, chuyên sản xuất ngũ cốc và thực phẩm công thức dành cho trẻ sơ sinh, và một nhà máy nước đóng chai ở Polour. Công ty có 818 nhân viên và chỉ nhập khẩu một lượng hạn chế các sản phẩm Nestle từ nước ngoài.
Gói trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với Iran bao gồm việc cấm Tehran mua đồng USD, nước này cũng bị chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, cùng với than và các phần mềm công nghiệp. Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm và thực phẩm của Iran, đồng thời chặn một số giao dịch tài chính của nước này.
Sang đầu tháng 11, Mỹ dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran.