Phát biểu ngày 7/8, phát ngôn viên LHQ Farhan Haq cho biết bản thân Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres đã nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) như một trong những thành tựu ngoại giao then chốt trong những năm gần đây.
Theo đó, ông Guterres luôn tin rằng văn kiện này xứng đáng tiếp tục nhận được sự ủng hộ và tất cả các bên tham gia thỏa thuận này cần tuân thủ các điều khoản được nêu trong JCPOA. Người phát ngôn Farhan Haq đồng thời khẳng định LHQ sẽ tiếp tục ủng hộ việc thực thi thỏa thuận hạt nhân trên.
Cùng ngày, phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson nhấn mạnh JCPOA là thỏa thuận "khả thi nhất" và "có thể đạt được" để xóa tan những quan ngại của phương Tây về Iran.
Mặc dù thừa nhận đây không phải là một thỏa thuận hoàn hảo, song ông Williamson cho rằng JCPOA thực sự mang lại một số giải pháp quan trọng có lợi cho tất cả các bên tham gia. Anh thực sự khuyến khích Mỹ bắt đầu đối thoại với các đối tác và Iran để có thể tìm kiếm lộ trình tiếp theo.
Trong khi đó, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng trong ngày 7/8 tuyên bố nước này không đồng tình với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran, song khẳng định Bagdad sẽ vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt này để bảo vệ những lợi ích của mình.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Baghdad, ông Abadi cho biết về nguyên tắc, Iraq phản đối các biện pháp trừng phạt trong khu vực, nhấn mạnh sự bao vây và các biện pháp trừng phạt sẽ hủy hoại xã hội. Ông nêu rõ: "Chúng tôi coi các biện pháp trừng phạt chống lại Iran là một sai lầm chiến lược và không đúng nhưng chúng tôi vẫn sẽ tuân thủ để bảo vệ các lợi ích của người dân".
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/8 đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước CH Hồi giáo. Trong khi gói trừng phạt thứ nhất nhắm vào các giao dịch mua USD, các kim loại quý và các mặt hàng xuất khẩu của Iran, thì gói thứ hai được coi là hết sức mạnh tay nhằm "triệt tiêu" nguồn thu từ dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này.
Ông cũng tuyên bố các công ty làm ăn với Iran sẽ bị cấm giao dịch với Mỹ khi các biện pháp trừng phạt mới của Washington đối với Tehran có hiệu lực. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, theo đó đề cập đến toàn bộ hoạt động của Tehran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo.