Tổng thống Trump ra tối hậu thư cho những quốc gia còn 'làm ăn' với Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo bất kỳ quốc gia nào có hoạt động giao thương với Iran sẽ “không thể làm ăn với Mỹ”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh "bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ". Ảnh: CNN

Lời đe dọa được đưa ra sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran có hiệu lực từ rạng sáng ngày 7/8 (giờ GMT).

Thông báo trên được đăng trên tài khoản chính thức Twitter của Tổng thống Mỹ cùng ngày, khẳng định các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với Iran là "các biện pháp hà khắc nhất từ trước đến nay".

Ông Trump nêu rõ đến tháng 11 tới các biện pháp này sẽ được nâng lên một mức khác, đồng thời nhấn mạnh "bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ".

“Tôi đang yêu cầu hòa bình thế giới, không hơn không kém”, Tổng thống Trump kết luận.

Theo các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khởi động lại vào ngày 7/8, chính phủ Iran sẽ bị cấm mua USD, chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, than và phần mềm liên quan đến công nghiệp. Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm và thực phẩm của Iran, chặn một số giao dịch tài chính của nước này. Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nước này, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong tháng 11, Tổng thống Trump dự định sẽ gia tăng sức ép đối với Iran, chặn đường xuất khẩu dầu nước này, có nguy cơ làm giảm 2 triệu thùng mỗi ngày hoặc 50% sản lượng đầu ra của Iran.

Phản ứng trước quyết định trừng phạt của chính quyền Washington, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ sự 'thất vọng sâu sắc' về lệnh trừng phạt. Trong khi đó, ngay trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành áp dụng “Đạo luật Ngăn chặn” để bảo vệ các công ty của khối này hoạt động tại Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ủy ban Châu Âu tuyên bố bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các công ty châu Âu sẽ tiếp tục các hoạt động giao thương hợp pháp tại Iran.

Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách anh ninh của EU bà Federica Mogherini cho biết EU khuyến khích các nhà đầu tư duy trì mối quan hệ làm ăn với Iran nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân.

"Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để giữ Iran trong thỏa thuận, để giữ cho Iran tiếp tục hưởng lợi từ những lợi ích kinh tế mà thỏa thuận mang lại, bởi vì chúng tôi tin rằng đây là những lợi ích an ninh không chỉ trong khu vực mà còn của thế giới. Nếu hiện tại có một thỏa thuận quốc tế về việc giải trừ vũ khí hạt nhân, nó phải được duy trì”, bà Federica Mogherini phát biểu ngày 6/8.

Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi thỏa thuận hạt nhân do Nhóm P5+1 ký với Iran vào năm 2015, mà tên đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tổng thống Trump nói rằng JCPOA là “một thỏa thuận tồi”, nên ông quyết định rút khỏi thỏa thuận và Mỹ sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ đã vấp phải sự phản đối từ các cường quốc châu Âu tham gia Thỏa thuận P5+1.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Nga chỉ trích Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran
Nga chỉ trích Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran

Nga 'thất vọng sâu sắc' về việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN