Có nên bỏ 'độc quyền' với vàng SJC?

Xung quanh nghịch lý giá vàng trong nước cao hơn thế giới thời gian qua và câu chuyện nên hay không nên bỏ "độc quyền" vàng SJC thời gian tới, sáng 15/6, bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về nội dung này.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

So với giá vàng thế giới, giá vàng SJC đang chênh khoảng 15 triệu đồng/lượng, đối với các thương hiệu khác khoảng 12 triệu đồng/lượng, Đại biểu nhận định thế nào về khoảng chênh lệch này và liệu ở đây có sự bất thường nào?

Hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao. Điều này cho thấy, thị trường vàng trong nước không tương đồng với thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, vận hành theo cơ chế thị trường. Tất nhiên, tất cả rồi cũng sẽ hòa chung với thế giới.

Song thực tế, vàng không phải là yếu tố phát triển, chỉ là phương tiện cất trữ. Người dân mua nhiều vàng cũng chỉ "chôn" tiền, bởi tiền không đầu tư cho sản xuất kinh doanh sẽ không tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đồng tiền khá ổn định hiện nay, người dân gửi ngân hàng cũng sẽ có lợi nhuận, tích trữ vàng cũng chưa chắc có lợi nhuận, trừ những thời điểm biến động như thời gian qua.

Trên thị trường hiện chỉ có SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia do Ngân hàng Nhà nước chỉ định độc quyền sản xuất. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu vàng khác cũng đang “nổi lên” khá mạnh, theo ông, đã đến lúc cần phá vỡ thế "độc quyền" của vàng SJC hay chưa?

Việc SJC là đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn sản xuất vàng miếng sẽ tạo ra thế  độc quyền cho một thương hiệu.

Bởi Ngân hàng Nhà nước quản lý "độc quyền" nhưng phải có sự cạnh tranh để tránh việc dùng những mệnh lệnh hành chính tác động đến hiệu quả kinh doanh của một sản phẩm trên thị trường, đồng thời tránh việc tạo ra một thương hiệu, một sản phẩm vượt trội hơn những sản phẩm, thương hiệu khác.

Chúng ta cần tính đến việc tạo ra cạnh tranh đối với mặt hàng vàng dù vẫn quản lý. Như vậy, mặt hàng này sẽ có nhiều yếu tố phát triển lành mạnh hơn.

Chú thích ảnh
Buôn bán vàng miếng. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản đang có nhiều biến động, vậy vàng có phải kênh trú ẩn an toàn hay không, thưa đại biểu?

Vàng là phương tiện tích trữ, nếu có vàng để đấy thì không bao giờ mất, nhưng bỏ tiền để đầu tư, kiếm lời trên vàng thì rủi ro rất lớn. Nhất là với nhà đầu tư không đủ khả năng đánh giá, thẩm định và có những phản ứng kịp thời vì diễn biến giá vàng rất nhanh.

Trong khi Nhà nước quản lý "độc quyền" nhưng thực tế Nhà nước không đứng ra can thiệp trực tiếp vào giá vàng. Do đó, chúng ta không thể biết được sự lên, xuống của giá vàng ra sao.

Tôi cho rằng, đầu tư vàng là bài toán khá nhạy cảm. Những người đầu tư vàng trong thời điểm hiện nay phải là những người tính toán hết sức chuyên nghiệp.

Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thúy Hiền – Diệp Anh (TTXVN)
Hà Nội: Nhiều ý kiến góp ý dự thảo Chương trình phát triển nhà ở đoạn 2021-2030
Hà Nội: Nhiều ý kiến góp ý dự thảo Chương trình phát triển nhà ở đoạn 2021-2030

Ngày 14/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN