Cơ hội giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nước nghèo

Các chủ nợ song phương và các chủ nợ tư nhân trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ Paris ngày 14/4 thông báo sẽ “đóng băng” trong một năm tính từ ngày 1/5/2020 đối với việc thanh toán nợ của 76 nước nghèo, với 40 nước trong số này là ở châu Phi.

Các kế hoạch lớn nhưng chưa đủ

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Abidjan, Cote d'Ivoire ngày 25/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al-Jadaan, thỏa thuận giãn nợ sẽ "giải phóng" khoảng 20 tỷ USD có thể được sử dụng để ứng phó với đại dịch. Trong số này, khoản nợ của các chủ nợ song phương và chủ nợ tư nhân lần lượt là 12 tỷ USD và 8 tỷ USD. Ước tính tổng chi phí thanh toán nợ của những quốc gia được hoãn nợ trong năm nay là 32 tỷ USD.

Trước đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo sẽ cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp cho 25 nước nghèo nhất thế giới để giúp họ giảm nợ và đối phó tốt hơn với tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Các khoản cứu trợ này sẽ được chuyển tới các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất khi phải trả các khoản nợ trong 6 tháng tới và tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế.

Danh sách các nước sẽ được hưởng sự hỗ trợ này gồm Afghanistan, Benin, Burkina Faso, Haiti, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, CHDC Congo, Yemen, Comoros, Liberia, Madagascar, Malawi, Mali, Mozambique, Nepal, Niger, Rwanda, Sao Tome và Principe, Quần đảo Solomon, Sierra Leone, Tajikistan, Togo, CH Trung Phi và CH Chad.  IMF không nêu rõ kế hoạch viện trợ này trị giá bao nhiêu, nhưng tổ chức từ thiện Jubilee Debt Campaign tính toán từ dữ liệu của IMF rằng các quốc gia sẽ không phải trả khoản tiền trị giá 214 triệu USD trong giai đoạn này.

Về phần mình, phát biểu với Ủy ban phát triển của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn cho rằng tất cả các bên, bao gồm các tổ chức cho vay song phương, đa phương và các ngân hàng thương mại, nên tham gia vào hành động chung của G20 để giải quyết các nguy cơ nợ giữa lúc dịch COVID-19 đang hoành hành.

Ông Lưu Côn cho biết là một chủ nợ song phương có trách nhiệm, Trung Quốc sẽ chủ động tham gia vào các cuộc tham vấn song phương với các nước vay nợ để kích hoạt các thỏa thuận giãn nợ mà G20 đã đạt được.

Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng thực tế là nợ vẫn phải thanh toán và việc đóng băng thanh toán chỉ áp dụng với nợ giữa các chính phủ, không áp dụng với nợ các ngân hàng tư nhân. Tổng số nợ của châu Phi ở mức khoảng 365 tỷ USD, với khoảng 1/3 trong số này là nợ Trung Quốc. 

Ông Hassane Boukar thuộc nhóm công dân Nigeria AEC cho rằng, sự hỗ trợ đó giúp các nước có thể sử dụng số tiền phải được dùng cho việc thanh toán nợ, nhưng sẽ có nhiều khoản chi sắp tới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, nhà kinh tế Jean Alabro của Coote d'voire cho rằng thỏa thuận trên sẽ giúp các nền kinh tế châu Phi không bị mất kiểm soát trong tương lai gần, nhưng nếu các giải pháp không được đưa ra, thảm họa vẫn ở phía trước. 

Các biện pháp phong tỏa, giới nghiêm và các hạn chế khác nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, cùng với sự giảm sút nhu cầu toàn cầu về khoáng sản và du lịch, sẽ gây tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế châu Phi. IMF nhận định GDP của châu Phi sẽ giảm 1,6% trong năm 2020, mức giảm mạnh nhất trong lịch sử, trong khi WB cảnh báo khu vực này có thể rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong 25 năm.

Những biện pháp hỗ trợ khác

Trong một bài đăng mới đây trên tuần báo tài chính Financial News (Vương quốc Anh), ông Gordon Brown, Cựu Thủ tướng đồng thời là cựu Bộ trưởng Tài chính Anh, và ông Lawrence H. Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và cựu Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, đã đưa ra những biện pháp mà cộng đồng quốc tế có thể thực hiện để thực sự hỗ trợ các nước nghèo.

Đầu tiên, IMF, WB và các ngân hàng phát triển khu vực cần phải tích cực trong việc mở rộng hoạt động cho vay. Theo hai tác giả, môi trường lãi suất gần bằng 0 hiện tại cho phép các định chế tài chính sử dụng nhiều đòn bẩy hơn trước đây. Họ đồng thời chỉ ra rằng việc có các kho dự trữ sẽ là vô ích nếu chúng không thể được sử dụng trong thời điểm hiện tại.

Các tác giả viện dẫn WB đã tăng gần gấp ba lần quy mô cho vay trong năm 2009, một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Một mục tiêu tham vọng hơn tỏ ra khá hợp lý trong thời điểm hiện tại, đi cùng với sự gia tăng các khoản cho vay được trợ cấp khi lãi suất vay thấp ở các nước giàu giúp việc này ít tốn kém hơn. Ngoài việc giảm các khoản thanh toán lãi vay, IMF, với 150 tỷ USD dự trữ vàng và mạng lưới tín dụng với các ngân hàng trung ương, nên chuẩn bị để có thể cho các nước vay tới 1.000 tỷ USD.

Thứ hai, dịch bệnh lần này là thời điểm thích hợp để mở rộng việc sử dụng đơn vị quy ước tiền tệ quốc tế được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - một loại tài sản dự trữ toàn cầu của IMF. Nếu thị trường tiền tệ toàn cầu muốn giữ cân bằng với việc mở rộng chính sách tiền tệ ở các nước giàu, thì việc tăng SDR thêm 1.000 tỷ USD  là rất cần thiết.

Thứ ba, các tác giả lưu ý những biện pháp hỗ trợ tài chính toàn cầu nên dành để phục vụ nhu cầu cho các nước đang phát triển cùng người dân của họ, thay vì có lợi cho các chủ nợ của những nước này. Các khoản nợ quốc gia phát sinh trước cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 phải thuộc hàng đầu trong chương trình nghị sự tài chính quốc tế.

Theo các tác giả, một khi đánh giá được quy mô ảnh hưởng kinh tế - tài chính của dịch COVID-19, các nước sẽ cần theo đuổi cách tiếp cận có hệ thống để khôi phục tính bền vững nợ ở một số nước đang phát triển và thị trường mới nổi, đồng thời bảo vệ triển vọng thu hút đầu tư mới của họ. Điều này để tránh cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 ở những thị trường này tràn sang các nước khác.

Thứ tư, biện pháp hỗ trợ ngắn hạn lớn nhất và có thể thực hiện ngay lập tức nhất có thể đến từ việc miễn trừ các khoản thanh toán nợ sắp tới của 76 nước có thu nhập thấp và trung bình thấp đang được Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc WB hỗ trợ. Song những đề xuất hiện tại của các quốc gia chủ nợ trong G20 về việc giãn nợ trong một năm tới bị hạn chế cả trong khung thời gian và phạm vi chủ nợ. Theo các tác giả, hơn 35 tỷ USD dự kiến được thanh toán cho các chủ nợ là chính phủ trong năm nay và năm tới sẽ cần được hoãn lại. Vì cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ không được giải quyết chỉ trong vòng sáu tháng hay một năm, và các chính phủ cần thời gian lên kế hoạch chi tiêu một cách chắc chắn.

Ngoài ra, các chủ nợ của khu vực tư nhân cho các thị trường mới nổi cũng phải chia sẻ với các chủ nợ quốc gia. Sẽ rất vô lý nếu tất cả số tiền từ các tổ chức đa phương nhằm giúp đỡ các nước nghèo nhất không được sử dụng cho các biện pháp chăm sóc sức khỏe hoặc chống đói nghèo, mà chỉ để trả cho các chủ nợ tư nhân, đặc biệt là các ngân hàng lớn của Mỹ. Các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương nên cùng với IMF và WB huy động khu vực tư nhân tham gia kế hoạch tự nguyện để giải quyết các khoản nợ này.

H.Thủy (TTXVN)
Trung Quốc hối thúc WB cho các nước nghèo nhất hoãn thanh toán nợ
Trung Quốc hối thúc WB cho các nước nghèo nhất hoãn thanh toán nợ

Trung Quốc ngày 16/4 đã hối thúc Ngân hàng thế giới (WB) cho phép hoãn thanh toán nợ đối với những nước nghèo nhất vay tiền của ngân hàng này, trong bối cảnh các nước này đang phải đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN