Việc xếp hạng này đã nâng tầm các sản phẩm chủ lực ở Hưng Yên, tạo đòn bẩy cho nền sản xuất hàng hóa phát triển bền vững.
Theo đó, huyện Khoái Châu có 4 sản phẩm, thành phố Hưng Yên 7 sản phẩm, thị xã Mỹ Hào 10 sản phẩm, huyện Phù Cừ 2 sản phẩm, huyện Ân Thi 1 sản phẩm. Nhiều sản phẩm nổi tiếng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể như: nhãn lồng, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân...
Thành phố Hưng Yên với 7 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP, có 2 sản phẩm là hạt sen, long nhãn ở xã Hồng Nam được xếp hạng 4 sao. Hiện nay, các sản phẩm này đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu đi các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước Đông Âu...
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, thành phố Hưng Yên đã tổ chức các mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản; chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Thành phố cũng quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm làng nghề, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn…
Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao của thành phố Hưng Yên là nhãn quả tươi, rau sạch, sấu tươi giòn. Để sản phẩm đạt chất lượng, các doanh nghiệp, hợp tác xã như: Công ty cổ phần rau, củ, quả Nhật Việt; Hợp tác xã nhãn lồng Tiên Châu, Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu đã được chính quyền các cấp quy hoạch thành vùng sản xuất lớn tập trung, đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị và áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đổi mới công nghệ. Mặt khác, việc liên kết các hợp tác xã và nhóm hộ nông dân trên địa bàn đã hình thành một số chuỗi liên kết, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Tại huyện Khoái Châu, với 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, có 3 sản phẩm được xếp hạng 4 sao là: nhãn muộn Miền Thiết ở xã Hàm Tử, tinh nghệ nano curcumin ở xã Chí Tân, thịt gà Đông Tảo ở xã Đông Tảo. Các sản phẩm này đều được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể từ các năm trước. Đây là những sản phẩm mở ra tiềm năng lớn, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất hàng hóa của tỉnh Hưng Yên.
Riêng với gà Đông Tảo, theo định hướng đến năm 2025, sẽ là một trong những sản phẩm được tiêu chuẩn hóa trở thành sản phẩm xếp hạng 5 sao trong Chương trình OCOP của tỉnh. Nhãn muộn Miền Thiết từ nhiều năm qua cũng có nhiều ưu thế vượt trội về chất lượng và giá trị thu nhập cao.
Hiện nay diện tích nhãn muộn Miền Thiết ngày càng mở rộng, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn để huyện Khoái Châu trở thành vùng trồng nhãn lớn nhất tỉnh Hưng Yên. Đối với các sản phẩm từ nghệ của xã Chí Tân đang khẳng định được thương hiệu và được tiêu thụ rộng rãi trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu ra các nước như Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…
Năm 2020, tỉnh Hưng Yên phấn đấu có 30 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên. Tỉnh cũng có kế hoạch hướng dẫn, hỗ trợ các nhóm hộ, tổ sản xuất, hợp tác xã nâng cấp hoàn thiện cơ sở sản xuất, hệ thống tổ chức sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ ổn định các mặt hàng là lợi thế của các địa phương.
Tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh công nhận. Mặt khác, tạo điều kiện để các cơ sở có sản phẩm OCOP giới thiệu, quảng bá tại hội chợ thương mại ở các tỉnh ngoài, nhất là các thị trường tiềm năng.