Đây sẽ là tiền đề để năm 2020 Hà Nội tiếp tục thực hiện nâng chất cho 700 sản phẩm khác và sau đó sẽ bắt đầu phát triển các ý tưởng sản phẩm mới trên cơ sở cải tiến sáng tạo, nâng cấp những mặt hàng hiện có.
Trước mắt, thành phố Hà Nội sẽ tập trung nâng tầm cho các sản phẩm hiện có, tập trung vào 2 nhóm sản phẩm chính đang có lợi thế lớn là thực phẩm và lưu niệm – nội thất – trang trí. Hiện nay, thành phố có 1.350 làng có nghề và 308 làng nghề truyền thống đã được công nhận; khoảng 5.000 mặt hàng nông sản, thực phẩm đã được cấp mã QR code truy xuất nguồn gốc. Với tiềm năng về sản phẩm rất lớn như vậy, mục tiêu có ít nhất 1.000 sản phẩm được đánh giá là hoàn toàn khả thi - ông Chí cho hay.
Hà Nội là đất bách nghề với nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm đã được người tiêu dùng biết đến cũng như xuất khẩu đi nhiều thị trường quốc tế. Do đó, tiềm năng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao của Hà Nội rất lớn. Ngay các chủ thể gồm người dân và doanh nghiệp cũng chủ động đăng ký. Cùng đó, cơ quan chức năng cũng định hướng những sản phẩm tốt của từng quận, huyện để từ đó lựa chọn sản phẩm chất lượng tham gia vào chương trình OCOP.
Ông Hoàng Thế Lượng, Trưởng phòng kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, địa phương này sẽ tập trung phát triển nhóm sản phẩm lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất; nhóm nông nghiệp sẽ tập trung vào các loại rau an toàn, củ quả, bưởi, đủ đủ, khoai tây và một phần nhóm chế biến là chè nam Thạch Xá, chè kho Đại Lộc. Huyện Thạch Thất đăng ký đến hết 2020 sẽ có 115 sản phẩm OCOP. Riêng năm 2019, huyện cố gắng hoàn thành 29 sản phẩm và đang thực hiện chấm điểm để trình Thành phố.
Chương trình OCOP giúp cho nhận thức của chính quyền huyện cũng như các chủ thể được nâng lên. Các hộ có thể nâng cao năng lực sản xuất với quy mô lớn hơn, công nghệ tiên tiến và chất lượng sản phẩm cao nhằm đạt hiệu quả lớn nhất, đáp ứng sản phẩm sạch phục vụ nhu cầu người tiêu dùng - ông Lượng chia sẻ.
Để đạt được kế hoạch có 300 sản phẩm OCOP trong năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với đơn vị tư vấn nhằm hỗ trợ chủ thể thực hiện; đồng thời hỗ trợ các huyện việc lập hồ sơ cũng như đánh giá phân hạng sản phẩm theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, chương trình này mới được Hà Nội khởi động trong 3 tháng cuối năm nên cũng gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, Hà Nội đã triển khai tập huấn cho các quận, huyện trên địa bàn; mời các chủ thể tham gia chương trình OCOP đến tập huấn, hướng dẫn lập hồ sơ. Đến thời điểm này, các quận, huyện đã cơ bản hoàn thành việc triển khai và đánh giá sản phẩm đã đăng ký.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của từng địa phương theo chương trình OCOP.
Theo đó, Hà Nội chú trọng phát triển và nhân rộng mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là tập trung xây dựng các làng nghề hiện có thành những làng văn hóa – du lịch, làng đạt 5 “sao” trong chương trình OCOP nhằm thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm...