Chú trọng tiêu độc, khử trùng chuồng trại và tiêm phòng
Gia đình anh Nguyễn Công Tài, ngụ ấp 4, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức đang nuôi 10 con lợn nái và 50 con lợn thịt. Năm nào cũng vậy, vào đầu mùa mưa là lại vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn sạch sẽ, sát trùng, khử khuẩn mọi ngóc ngách. Theo anh Tài, thời tiết ẩm ướt là tác nhân gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của gia súc, gia cầm. Vì vậy, anh đã chủ động phòng dịch, đồng thời tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn lợn nuôi.
Anh Tài chia sẻ, việc chăn nuôi lợn phải thật kỹ, ngoài việc chăn nuôi cách xa khu dân cư, để cách ly chuồng trại chăn nuôi với môi trường bên ngoài, gia đình anh còn còn phun hóa chất khử trùng hàng tuần, tiêu độc bằng vôi bột và hóa chất. “Để chăn nuôi đạt hiệu quả, gia đình tôi ưu tiên hàng đầu cho việc phun khử khuẩn, sát trùng chuồng trại chăn nuôi, sau đó mới tính tới chuyện thả đàn mới, rồi tiêm vaccine đầy đủ các mũi cho đàn vật nuôi. Vào mùa mưa việc phòng bệnh và sát khuẩn chuồng trại được gia đình tôi chú trọng nhiều hơn”, anh Tài chia sẻ.
Còn tại trang trại nuôi lợn của gia đình ông Ngô Văn Lành, ngụ ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức đang nuôi với quy mô 720 con lợn thì càng được chú trọng đặc biệt hơn. Do lợn nuôi của trang trại với lợn nái, lợn thịt và lợn con mới đẻ nên vào mùa mưa, ông đã yêu cầu công nhân tăng cường phun, xịt sát khuẩn ngày 2 lần vào sáng, chiều thay vì 2 lần/tuần như thời điểm mùa nắng.
Anh Phan Công Luận, kỹ sư và là quản lý tại trang trại cho biết, trang trại nuôi theo quy mô tự cung tự cấp con nái đẻ lấy giống chăn nuôi lợn thịt nên quanh năm đều có lợn xuất bán, với quy trình này trang trại không lo việc nhập giống từ nơi khác không rõ nguồn gốc về nuôi. Công tác tiêm phòng vaccine cho lợn được trang trại thực hiện đầy đủ và liên tục cho từng lứa.
Ngoài ra, hệ thống chuồng trại luôn được phun khử trùng, sát khuẩn thường xuyên, vôi bột được rắc xung quanh chuồng trại, lối ra vào, không cho người lạ ra vào chuồng trại. Khi có người vào trang trại sẽ phải thực hiện phun xịt khử trùng toàn thân, mặc đồ bảo hộ mới được vào trang trại…
Để bảo đảm an toàn cho 3.000 con vịt khi mùa mưa tới, ông Nguyễn Sỹ Hữu, ngụ ấp An Điền, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ đã chủ động tiêm phòng vaccine đầy đủ cho vật nuôi; đồng thời, chú trọng điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp theo độ tuổi và bổ sung một số loại vitamin tăng sức đề kháng cho đàn vịt phát triển tốt. Cùng với đó là vệ sinh tiêu độc chuồng trại thường xuyên, liên tục. Ông Hữu còn lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, theo dõi chặt chẽ. Khi vịt xuất hiện bất kỳ biểu hiện lạ, ông sẽ tách đàn để theo dõi.
“Ngoài công tác vệ sinh chuồng trại, chú trọng nguồn thức ăn sạch, đầy đủ dinh dưỡng, tiêm vacine tụ huyết trùng, phòng dịch tả, cho uống men tiêu hóa, gia đình cũng thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn vịt. Khi phát hiện con nào có biểu hiện lạ, nguy cơ mắc bệnh, tôi sẽ tách đàn, đồng thời theo dõi để tránh dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng tới cả đàn”, ông Hữu cho hay.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có tổng đàn lợn là hơn 403.000 con, tăng 4,3% so cùng kỳ; tổng đàn gia cầm 6,82 triệu con, tăng 3,4% so cùng kỳ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 4 ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi và 1 ổ dịch bệnh cúm gia cầm. Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tăng cường công tác quản lý dịch tễ, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời khi có bệnh xảy ra; đã triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, cụ thể: đến nay, các địa phương đã tổ chức tiêm phòng được gần 1.260 nghìn liều vaccine các như: cúm gia cầm trên gà, vịt và ngan, ngỗng, heo tai xanh, viêm da nổi cục, lở mồm long móng trên lợn, dịch tả heo và phòng chống bệnh dại.
Ông Phan Văn Trai, Trưởng phòng nghiệp vụ Chăn nuôi và Thú y, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhờ chủ động làm tốt công tác phòng dịch, từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh được kiểm soát tốt. Tổng sản lượng thịt hơi các loại cung cấp ra thị trường đạt hơn 9.100 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm của ngành chức năng và người chăn nuôi đã góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi của tỉnh.
Nhờ các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, chăn nuôi phát triển tốt. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh động vật trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi bất thường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do vậy, ông Trai khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động theo dõi chặt chẽ, tăng cường cung cấp dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh, thường xuyên sát trùng, vệ sinh chuồng trại; đặc biệt, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khi phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi.