Đặc biệt, cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung; tỉnh cũng đang tập trung xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, hướng đến xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao.
Tiềm năng xuất khẩu
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh hiện có 2 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi quy mô lớn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn QL Vietnam Agroresources xuất khẩu trứng gà sang Hong Kong (Trung Quốc) và Maldives; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) xuất khẩu đến 60 quốc gia; trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, New Zealand…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, trong thời gian tới, 2 doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu và một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đang đầu tư để hướng đến xuất khẩu.
Hiện nay 2 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu (Tây Ninh) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. Cụ thể, tại huyện Tân Châu, chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã và đang triển khai hoạt động mở ra bước tạo đà hiệu quả trong phát triển nông nghiệp bền vững và kinh tế xanh, tuần hoàn của Tây Ninh.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, 2 tập đoàn cùng các thành viên xây dựng chuỗi liên kết gồm: DHN, Bel Gà, Green Chicken, Visakan, Big Duchtman, Bio Agritech HN. Hướng đi này nhằm tạo chuỗi giá trị khép kín "từ nông trại tới bàn ăn". Chuỗi giá trị này được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị doanh thu 5 tỷ USD vào năm 2030, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh và nâng cao vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Vũ Mạnh Hùng đánh giá, Tây Ninh là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt sản phẩm thực phẩm rất đa dạng, rất giàu tiềm năng để xuất khẩu vào thị trường Halal. Theo ông Vũ Mạnh Hùng, các sản phẩm này phải đạt được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển. Do đó, các đối tác của đơn vị đang phối hợp với Cục Thú y, tỉnh Tây Ninh tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn, giai đoạn 2023 - 2028. Lộ trình đến tháng 12/2025 sẽ hoàn thiện và được nước nhập khẩu chấp nhận chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh. Toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và được chứng nhận HACCP, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.
“Việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh, phân chia, cách ly các khu vực bị nhiễm bệnh hiệu quả nhằm tránh dịch bệnh lây lan sang các khu vực khác. Đặc biệt, phân vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn thế giới sẽ giúp Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm sang nước khác một cách an toàn, tránh được các rào cản thương mại về an toàn thực phẩm”, ông Vũ Mạnh Hùng cho biết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 462 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; cấp mới 3 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cho 2 trang trại chăn nuôi lợn và 1 trang trại chăn nuôi gà; huyện Dương Minh Châu và Tân Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà (bệnh dịch tả gà) và 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Giai đoạn 2024 - 2025, Tây Ninh phấn đấu hoàn thành mục tiêu sẽ có 3 vùng cấp huyện (Tân Châu, Tân Biên và Gò Dầu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam; 1 vùng cấp huyện (Dương Minh Châu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle và 1 vùng cấp huyện (Bến Cầu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam đối với bệnh Lở mồm long móng trên bò.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Tây Ninh xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là quan trọng trong triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi. Do vậy, ngành nông nghiệp Tây Ninh sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến; đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao, nhằm tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đáp ứng thị trường xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh tây Ninh đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-UBND ngày 21/2/2024 về Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024 – 2030.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển mạnh. Theo đó, giá trị ngành chăn nuôi năm 2023 đóng góp khoảng 26% GDP nông nghiệp của Việt Nam. Tốc độ phát triển ngành chăn nuôi trung bình đạt trên 5%/năm với tổng đàn gia cầm đạt 560 triệu con và đàn lợn hơn 28 triệu con. Đông Nam bộ là vùng trọng điểm quan trọng nhất của cả nước trong phát triển chăn nuôi với tổng đàn hiện có khoảng 100 triệu con gia cầm, gần 10 triệu con lợn. Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh thời gian qua đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư quy mô lớn, xây dựng các chuỗi sản xuất chăn nuôi, thực phẩm với công nghệ hiện đại.
Cũng theo Cục trưởng Cục Thú y, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, một trong những yêu cầu là phải kiểm soát được tốt dịch bệnh. Do đó, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Qua đó góp phần tái cơ cấu chăn nuôi và mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cũng nhận định, Việt Nam là quốc gia có đường biên giới rất dài tiếp giáp với các nước láng giềng. Do đó, nguy cơ vận chuyển, nhập lậu trái phép động vật, sản phẩm động vật trái phép rất cao, từ đó có nguy cơ thẩm thấu các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Do vậy, thời gian qua, Cục Thú y đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp cấp bách ngăn chặn, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, Cục Thú ý cũng yêu cầu các địa phương tổ chức thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là cư dân biên giới không tiếp tay, hỗ trợ tố giác các đối tượng mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới. Đồng thời, các đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật mở các chuyên án về mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới để kịp thời răn đe.